![]() |
HTX đang phát huy tốt thế mạnh về nuôi tôm (Ảnh Tư liệu) |
Liên kết lập HTX
Vĩnh An là địa phương có điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh. Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển, mô hình đã bộc lộ nhiều khó khăn và rủi ro cao, tôm chậm phát triển, thời gian thả nuôi kéo dài, dịch bệnh thường xuyên xảy ra.
Đặc biệt, tình trạng lạm dụng hóa chất để cải tạo ao nuôi, chữa bệnh cho tôm không mang lại hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng, khiến nhiều hộ phải “treo ao”.
Để khắc phục những hạn chế, phát huy hết những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều hộ nuôi thủy sản trên địa bàn xã đã lên ý tưởng liên kết thành lập HTX, hướng đến sản xuất theo chuỗi, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Sau thời gian bàn bạc, tháng 5/2017, HTX nuôi tôm thâm canh Vĩnh An được thành lập với 97 hộ thành viên, tổng diện tích sản xuất đạt trên 90ha, vốn điều lệ 455 triệu đồng.
HTX hoạt động theo đúng Luật HTX năm 2012, có điều lệ, quy chế hoạt động, quy chế tài chính. HTX đã liên kết đầu vào với Công ty TNHH giống thủy sản Dương Hùng và Đại lý thức ăn, thuốc thủy sản Đại An, nhằm cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho thành viên.
Sau khi thành lập, HTX nhận được sự quan tâm, đồng hành sát sao của các cấp, ngành nông nghiệp địa phương, tạo nền tảng vững vàng để HTX phát triển, từng bước khẳng định giá trị.
![]() |
Mô hình của HTX mang lại lợi ích kép về kinh tế, môi trường (Ảnh TL) |
Nâng cao sức mạnh
Ông Võ Văn Ê – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Vĩnh An, cho hay sự thành lập của HTX đã trở thành bước ngoặt trong sản xuất của các hộ thành viên, mô hình nuôi tôm sinh thái đang cho thấy những giá trị vượt trội về kinh tế vào môi trường sinh thái.
Về kinh tế, được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, hoạt động chăn nuôi của thành viên HTX diễn ra vô cùng thuận lợi, năng suất, chất lượng tôm được cải thiện, đầu ra ổn định, giá trị gia tăng đáng kể.
Sở hữu hơn 1,8 ha ao nuôi, anh Phạm Văn Đe – thành viên HTX, chia sẻ: “Hiện, bình quân mỗi năm gia đình tôi thả 2 vụ tôm (tương đương khoảng 200.000 con tôm giống/vụ), nhờ áp dụng đúng quy trình sản xuất nên đạt hiệu quả kinh tế khá cao, cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm”.
Về môi trường, tình trạng lạm dụng hóa chất để xử lý ao nuôi, trị bệnh cho tôm bị loại bỏ hoàn toàn góp phần nâng cao chất lượng môi trường ao nuôi, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái.
Các hộ thành viên HTX được hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học để giúp ổn định hệ vi sinh trong môi trường ao nuôi, cân bằng độ trong của nước, phân giải độc tố, phân hủy các lượng thức ăn dư thừa, đồng thời ức chế và ngăn chặn sự xâm hại của mầm bệnh.
“Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, nuôi tôm theo hướng VietGAP giúp chúng tôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường, qua đó vừa nâng cao sức khỏe vừa đảm bảo sự phát triển lâu dài”, anh Phạm Văn Đe phấn khởi cho hay.
Cũng theo anh Đe, trong hơn 3 năm qua, anh và các thành viên HTX luôn nhận được hỗ trợ về kỹ thuật, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, đặc biệt, HTX đã kết nối với các doanh nghiệp để bảo đảm giá tôm đầu ra luôn cao hơn so với giá thị trường.
Nhật Minh