Trong giai đoạn 2011 - 2017, bằng nhiều nguồn kinh phí huy động, huyện Quế Sơn đã chi hơn 22 tỷ đồng cho việc hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác (KTHT).
Trong đó, chủ yếu hỗ trợ các HTX nâng cấp những trạm bơm điện và hệ thống đập dâng, bê tông hóa kênh mương, cơ giới hóa các khâu sản xuất, xây dựng khu giết mổ tập trung...
Sáp nhập, củng cố để phát triển
Trước đây, trên địa bàn xã Quế Phú có 3 HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, việc hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX này đều không đạt hiệu quả cao và đặc biệt là chưa phát huy được vai trò “bà đỡ” của nông dân.
Trước tình trạng đó, được sự tiếp sức từ nhiều phía, cuối năm 2014, chính quyền địa phương tiến hành sáp nhập 3 HTX hoạt động cầm chừng ấy thành một đơn vị, lấy tên là HTX nông nghiệp Quế Phú.
Sau khi sáp nhập, dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, nên HTX này đã từng bước củng cố, kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành và hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn.
Ông Lê Dõng - Giám đốc HTX nông nghiệp Quế Phú, cho biết ngoài việc đứng ra tổ chức liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa, hơn 3 năm nay, HTX còn triển khai thực hiện 8 loại hình sản xuất - dịch vụ khác là cung ứng vật tư nông nghiệp, thủy nông, làm đất, thu hoạch nông sản, cấp nước sinh hoạt, trồng rừng kinh doanh, xây dựng kênh bê tông nội đồng và phát triển một số loại cây trồng mới. Theo thống kê, năm vừa qua, tổng doanh thu của HTX đạt hơn 1,1 tỷ đồng, lợi nhuận 65 triệu đồng…
Ông Trần Văn Noa - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn, cho biết những năm gần đây chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ lĩnh vực KTHT phát triển, nhất là mô hình HTX nông nghiệp.
Theo ông Noa, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác hỗ trợ chuyển đổi mô hình HTX theo Luật HTX 2012. Đồng thời thường xuyên có kế hoạch làm việc với Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn và những HTX trên địa bàn để kịp thời nắm bắt tình hình.
Qua đó, sớm đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Cùng với đó, định hướng chuyển đổi ngành nghề và đổi mới phương thức quản lý, nội dung hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ của từng HTX một cách phù hợp.
![]() |
Nhờ HTX, nông dân huyện Quế Sơn có thu nhập cao từ liên kết sản xuất lúa giống |
Đổi mới phương thức hoạt động
Ông Noa cho biết: Ngoài 10/10 HTX nông nghiệp cũ đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012, trong 2 năm 2016 - 2017, trên địa bàn Quế Sơn có 2 đơn vị thành lập mới là HTX nông nghiệp Quế Cường và HTX sản xuất kinh doanh - dịch vụ tổng hợp Xuân Tây (xã Phú Thọ).
Nhờ tinh gọn bộ máy, chú trọng khâu đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành, xác lập bài bản kế hoạch sản xuất kinh doanh nên thời gian qua, các HTX ở Quế Sơn hoạt động mang lại hiệu quả cao.
“Qua thống kê, cho thấy năm 2017, tổng doanh thu của 12 HTX nông nghiệp trên toàn huyện đạt 10,4 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế đạt gần 235 triệu đồng. Trong đó, nổi bật là các HTX nông nghiệp Quế Phú, Quế Xuân 2, Quế Châu…”, ông Noa cho biết thêm.
Được biết, thời gian qua nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền cơ sở, trên địa bàn Quế Sơn cũng đã xuất hiện một số mô hình THT được hình thành.
Theo ông Trần Văn Noa, tính đến thời điểm này, toàn huyện có tổng cộng 8 mô hình THT đã được UBND các xã, thị trấn chứng thực. Nhìn chung, các THT này hoạt động khá hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển và thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM.
Nguyễn Sự