Các doanh nghiệp (DN) chỉ đóng góp phần vốn rất nhỏ cho HTX để điều hành hoạt động và không biểu quyết trong Đại hội thành viên. DN liên kết với HTX sẽ mang lại sự ổn định trong sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm nhờ giảm đáng kể giá thành sản phẩm.
Mô hình nhiều ưu điểm
Với tinh thần đoàn kết, tâm huyết, cùng nhau liên kết chia sẻ thuận lợi sẽ dẫn đến sự phát triển bền vững, tháng 9/2015, được sự giúp đỡ của Liên minh HTX Hà Nội, HTX Thăng Long được thành lập với 9 DN và 3 cá nhân là thành viên, sản xuất hàng loạt sản phẩm phục vụ giáo dục, nông nghiệp như: khay đựng mạ phục vụ cây trồng, máng ăn cho lợn, gà, túi ươm giống; bộ sa bàn giao thông phục vụ cho học sinh thực nghiệm với hàng chục chi tiết lắp ghép bằng sự liên kết của 4 công ty tham gia sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được Bộ GD&ĐT đưa vào thực nghiệm.
Ngoài ra, HTX đã tham gia đề tài với Công ty Bình Thuận, Công ty Bách Khoa, Công ty Việt Hoa, Công ty Thủ Đô, sản xuất bộ van chia nước giữ độ ẩm cho đất phục vụ những vùng khô hạn theo đơn đặt hàng của một doanh nghiệp Nhật Bản, hiện sản phẩm đang được sản xuất đại trà, đồng thời mở rộng ra nhiều thị trường tiềm năng.
![]() |
Liên kết giữa DN và HTX sẽ tạo ra nhiều sản phẩm sáng tạo (Ảnh: TL) |
Có định hướng kết nối trong sản xuất kinh doanh, phân chia lợi nhuận hợp lý, khẳng định lòng tin của các DN thành viên, đến đầu năm 2020, sau gần 5 năm hoạt động, số thành viên của HTX Thăng Long đã tăng lên 15 công ty và 3 cá nhân.
Ông Trần Viết Hải, Giám đốc HTX Thăng Long cho biết, bước đầu mô hình HTX với thành viên là các DN đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ, thượng tôn tính hợp tác. Liên kết bền vững giữa các công ty với HTX sẽ tạo ra nhiều sản phẩn sáng tạo phục vụ nhu cầu xã hội.
Liên kết, tiêu thụ cùng nông dân
Trong liên kết nông nghiệp, DN sẽ lựa chọn, đầu tư các giống cây trồng tốt, đầu tư phân bón, đầu tư thuốc bảo vệ thực vật, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho HTX và bà con nông dân. DN thực hiện việc giám sát, kiểm tra quá trình tổ chức sản xuất của HTX và bà con; bao tiêu toàn bộ sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, đồng thời hỗ trợ chi phí quản lý cho HTX theo khối lượng sản phẩm thu mua.
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) cho biết hằng năm, Công ty đã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với 13 tỉnh, thành trong cả nước, với diện tích hàng chục nghìn ha. Trong đó, vùng nguyên liệu hợp tác sản xuất là 3.500 ha, vùng nguyên liệu hợp tác tiêu thụ sản phẩm với diện tích 6.750 ha, tham gia thành viên liên kết với hàng trăm HTX. Vùng nguyên liệu hợp tác sản xuất của Công ty mở rộng trải dài từ các tỉnh địa đầu Tổ quốc như Hà Giang vào đến các tỉnh Tây Nguyên. Các loại cây trồng công ty liên kết đều cho hiệu quả kinh tế rất cao, mang lại giá trị thu nhập và lợi nhuận lớn cho người nông dân. Điển hình như cây lạc tiên sản xuất tại Gia Lai cho doanh thu bình quân 600 triệu đồng/năm; cây dứa sản xuất tại Ninh Bình cho doanh thu 300 triệu đồng/năm; cây rau chân vịt trồng tại Thanh Hóa, Ninh Bình và một số tỉnh phía Bắc cho doanh thu 300 triệu đồng/vụ…
![]() |
CTCP Mía đường Lam Sơn là đơn vị tiêu biểu trong liên kết sản xuất cùng HTX và nông dân (Ảnh: TL) |
Tại Thanh Hóa, theo đại diện CTCP Mía đường Lam Sơn, đến nay, 80% sản lượng mía nguyên liệu của Công ty là do nông dân cung cấp. Sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và Công ty đã giúp hình thành vùng nguyên liệu mía rộng lớn ở xứ Thanh, giúp nhiều hộ gia đình có của ăn, của để. Chính vì vậy, tham vọng của Công ty là sẽ xây dựng 40 HTX kiểu mới ở 40 xã trên địa bàn tỉnh.
"Nhờ liên kết mà ý thức của nông dân cũng thay đổi tích cực, doanh nghiệp chịu xuống làm thành viên, nông dân chịu nghe doanh nghiệp để sản xuất lớn là điều rất đáng mừng. Mô hình liên kết như thế này mới thực sự hiệu quả, bền vững. Nông dân và doanh nghiệp sẽ tham gia HTX đông hơn...", một lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.
Minh Thành