![]() |
Chợ Lách đang có nhiều loại cây trồng thích ứng tốt hạn mặn và có hiệu quả kinh tế cao (Ảnh Tư liệu) |
Nhiều cây trồng tiềm năng
Ông Bùi Thanh Liêm – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, cho hay trên địa bàn huyện đang hình thành nhiều vùng trồng cây ăn quả có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu cao như dừa, bưởi da xanh, xoài, nhãn, vú sữa, mít…
Không chỉ thích ứng tốt với hạn mặn, các loại cây này còn cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình trồng xoài. Hiện, cây xoài được nông dân trong huyện quan tâm chăm sóc theo quy trình VietGAP, bao trái, sử dụng phân hữu cơ.
Anh Hoàng Thanh Trương – người trồng xoài tại Chợ Lách, cho biết hầu hết các hộ trồng xoài tại địa phương đang áp dụng kỹ thuật bao túi cho trái, mang lại hiệu quả vượt trội về kinh tế và môi trường sinh thái.
Theo đó, việc bao trái giúp các hộ trồng xoài hạn chế sự xâm nhập của sâu bệnh hại, từ đó giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Bao túi đúng kỹ thuật, 1ha xoài sẽ cho lợi nhuận cao hơn 18 – 20 triệu đồng so với phương pháp cũ. Lượng thuốc trừ sâu bệnh giảm đi 5 - 10 kg/ha góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng”, anh Trương phân tích.
Chính việc chủ động ứng dụng khoa học – kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP gắn với hữu cơ, giúp các nhà vườn ở Chợ Lách duy trì sự phát triển ổn định qua nhiều năm và đứng vững trong đợt hạn mặn khốc liệt vừa qua.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách Bùi Thanh Liêm nhận định tình hình hạn mặn năm 2019-2020 là dấu hiệu bất thường do biến đổi khí hậu.
Vì thế, tỉnh đặc biệt khuyến khích người dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm của từng vùng sinh thái theo hướng thích ứng với hạn mặn, đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng…
![]() |
Các HTX đang có vai trò tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu (Ảnh TL) |
HTX khẳng định dấu ấn
Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang cho thấy tầm ảnh hưởng tích cực. Hàng chục HTX, tổ hợp tác (THT) trở thành đầu tàu dẫn dắt người nông dân sản xuất theo hướng hiện đại, đảm bảo hiệu quả bền vững.
Đơn cử, chỉ riêng xã Hưng Khánh Trung B đã có hơn 20 HTX và THT tham gia vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với hạn mặn.
Điển hình là HTX nông nghiệp Hưng Khánh Trung B được thành lập tháng 8/2017, tổ chức và hoạt động theo đúng Luật HTX 2012 với 97 thành viên.
Ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của HTX bao gồm: Trồng cây ăn trái và chăm sóc cây giống nông nghiệp, hoạt động dịch vụ trồng trọt, hoạt động dịch vụ sau thu hoạch, bán buôn nông sản nguyên liệu, vật tư nông nghiệp…
Trong bối cảnh hạn mặn diễn biến phức tạp, không ít vườn cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long không thể “trụ” vững, song hoạt động của HTX vẫn được duy trì ổn định.
Đại diện HTX Hưng Khánh Trung B cho hay, đó là nhờ HTX luôn chủ động hỗ trợ đo độ mặn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ nông dân trữ nước ngọt tưới cho cây. Khu vực trữ nước còn được tư vấn nuôi thêm bèo, lục bình để giảm độ mặn...
Ngoài ra, HTX cũng chủ động liên kết với doanh nghiệp và các chuyên gia nông nghiệp để hỗ trợ thành viên toàn diện từ các dịch vụ đầu vào như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tư vấn kỹ thuật, đến đảm bảo thị trường tiêu thụ, nâng cao giá thành sản phẩm.
Tương tự, HTX chôm chôm Sơn Định (xã Sơn Định) đang thu lợi lớn từ mô hình trồng chôm chôm trái vụ. HTX hiện có 41 thành viên, vốn điều lệ 82 triệu đồng với ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ tiêu thụ chôm chôm, vật tư nông nghiệp và vận chuyển cơ giới.
Nhờ áp dụng và thực hiện đúng quy trình VietGAP, năng suất chôm chôm bình quân của HTX đạt khoảng 25 tấn/ha, tăng 20% so với kiểu canh tác truyền thống.
Ngoài ra, trồng trọt theo quy trình khoa học giúp chất lượng và giá trị của sản phẩm của HTX cũng tăng lên, các doanh nghiệp thu mua chôm chôm đều cam kết trả giá cao hơn 10% so với thị trường.
Rõ ràng, sự chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm của từng vùng sinh thái theo hướng thích ứng với hạn mặn, đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng… đang giúp ngành nông nghiệp huyện Chợ Lách phát triển bền vững.
Hưng Nguyên