![]() |
Mô hình nuôi ong của HTX Hợp Tiến |
HTX Tình Húc đang phát triển thương hiệu “Mật ong rừng Bình Liêu”. Sản phẩm của HTX đã tham gia chương trình OCOP và đạt chuẩn 3 sao nên được đánh giá cao trên thị trường. Hiện, HTX có 8 thành viên với hơn 600 tổ ong, năm 2019 cho ra thị trường gần 2.000 lít mật.
Tận dụng điều kiện tự nhiên
Trong những năm gần đây, huyện Bình Liêu rất chú trọng việc bảo tồn các khu rừng nguyên sinh và phát triển các khu rừng trồng các loài cây lâu năm cho nhiều hoa như hồi, sở để bảo đảm phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hạn chế thiên tai và tạo việc làm,thu nhập cho người dân.
Bình Liêu hiện có 4.428ha rừng hồi đan xen các cánh rừng quế, trám, thông, sở… khoảng hơn 1.000ha nữa. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. Đây cũng vốn là nghề truyền thống của người dân xã Tình Húc.
Để có sản phẩm chất lượng, đạt các tiêu chuẩn khắt khe khi tham gia chương trình OCOP, HTX phải chọn những con ong rừng và cho những con ong này cần mẫn lấy phấn và mật ở hàng trăm loài hoa rừng để luyện mật. Vì vậy, mật ong không những có giá trị dinh dưỡng cao mà còn được sử dụng để phòng và chữa bệnh. Tuy nhiên, để có những giọt mật ong tinh túy của núi rừng thì phải đáp ứng được những điều kiện rất khắt khe.
Mật không hóa chất thì phải lấy từ rừng được phát triển theo hướng sinh thái. ĐIều thuận lợi là trên địa bàn, diện tích rừng tự nhiên với mức độ đa dạng sinh học cao, vì thế, HTX có lợi thế nuôi ong mà nhiều người dân ở các khu vực khác không có được. Ngoài diện tích rừng hồi, quế, sở, trám, thông, các khu rừng ở trên địa bàn còn phát triển các loài cây dược liệu bổ sung nguồn hoa cho ong.
Với nguồn hoa dồi dào, đàn ong của HTX có thể lấy hoa quanh năm, kể cả trong những tháng mà những vùng nuôi ong khác khan hiếm hoa tự nhiên. Con ong sống trong môi trường tự nhiên, nơi mà có đầy đủ đặc tính đa dạng, đặc thù, tương tác, thích nghi và bền vững của hệ sinh thái, đảm bảo luyện nên một loại mật ong đặc trưng,bảo đảm về chất lượng.
Thay đổi tập quán, nâng chất môi trường
Tiềm năng ở địa phương không hề nhỏ nhưng việc nuôi ong không vì thế mà dễ dàng. Đây là một nghề kỹ thuật cao và cần sự đam mê cao độ. Trước đây, các thành viên HTX bắt ong tự nhiên về nuôi trong ống tròn, ống được làm bằng thân cây rỗng. Kỹ thuật này có nhiều nhược điểm, như: rất khó theo dõi và chăm sóc đàn ong vì thế không thể phát hiện kịp thời các vấn đề nên ong thường bốc bay đi, sản lượng mật thấp, chất lượng không đồng đều và khó phát triển đàn ong lên quy mô lớn hơn.
Khi vào HTX, kỹ thuật nuôi ong trong trong thùng vuông được phổ biến. Từ 30 đàn ong ban đầu, đến nay HTX đã phát triển đàn ong lên hơn 600 đàn với sự tham gia của nhiều thành viên trẻ và nhiệt huyết. Sau thời gian học hỏi, tìm tòi và đi thực tế, đến nay các thành viên.
Qua hoạt động nuôi ong của HTX, thành viên và người đã am hiểu hệ sinh thái tự nhiên của địa phương và trở thành những nhà sinh thái học thực sự.
Thành viên HTX đã am hiểu tường tận tập tính của con ong, vì chỉ như thế mới phát hiện ra các vấn đề bất thường của đàn ong như dấu hiệu chia đàn, dấu hiệu ong bị động vật khác tấn công hoặc bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, khói bụi, hóa chất hay các tác động khác bên ngoài. Thành viên biết chi tiết thời điểm này trên rừng có hoa gì, vì thế hiểu được ở mỗi mùa mật ong sẽ có hương vị đặc trưng như thế nào. Tiếp xúc gần gũi với đàn ong hằng ngày giúp các thành viên sắc sảo hơn trong kỹ năng quan sát và kịp thời hơn trong xử lý các tình huống nảy sinh.
Bên cạnh đó, nghề nuôi ong đang mang lại rất nhiều hiệu quả về môi trường sinh thái. Từ khi phát triển nghề ong, cảnh quan tại địa phương trở nên đầy sắc hoa. Diện tích rừng được bảo vệ và phát triển hàng năm. Những dải đất trống nho nhỏ ven đường hay trong vườn nhà đều trở thành những vườn hoa xinh xắn. Con ong rất nhạy cảm với điều kiện môi trường đặc biệt là khói bụi và các hóa chất, các thành viên HTX và người dân ý thức cao trong việc thu gom và xử lý rác thải, hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ cỏ và thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất.
Như Yến