HTX Dịch vụ môi trường Tân Phát có trụ sở chính tại thôn Nam Sơn, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
HTX có 8 thành viên, thu nhập bình quân của thành viên HTX khoảng 5 triệu đồng/người/ tháng. Hiện nay, tổng lượng rác thải sinh hoạt HTX thu gom hàng ngày khoảng 10 - 15 tấn.
Lò đốt rác hoạt động 24/24
HTX đang được giao quản lý và vận hành 1 lò đốt rác hiệu Losiho công suất 700 kg/h. Tuy nhiên, tổng lượng rác thải thu gom hàng ngày của HTX lên đến cả chục tấn, trong đó lượng rác thải hữu cơ chiếm đến 80% tổng lượng rác thải thu gom.
Với lượng rác thải thu gom như vậy, hiện nay lò đốt của HTX phải vận hành 24/24 giờ (kể cả thứ 7 và chủ nhật) để xử lý.
Khảo sát quá trình thu gom phân loại và xử lý trên của HTX cho thấy, HTX chưa tận dụng được lượng chất thải hữu cơ để xử lý thành phân hữu cơ. Sau khi phân loại được rác tái chế để bán cho người thu mua, toàn bộ lượng rác còn lại được đưa vào lò đốt để xử lý. Điều này khiến HTX phải tốn thêm một lượng nhiên liệu phục vụ lò đốt.
HTX đã được UBND huyện đầu tư một số thiết bị, phương tiện, tuy nhiên mới chỉ bước đầu đáp ứng được công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn phụ trách. Hiện nay, HTX chỉ có 1 xe ôtô để thu gom rác trên địa bàn toàn xã và 10 xe cải tiến để thu gom rác từ các hộ gia đình, công sở và trường học.
Để có thể tận dụng nguồn chất thải vào sản xuất thành phân hữu cơ sinh học, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường - Coste (Liên minh HTX Việt Nam) đã tiến hành hỗ trợ chế phẩm VSV đa chủng, xe phân loại rác, máy cắt nguyên liệu, máy nghiền, máy trộn, băng tải cho HTX, nhằm xây dựng mô hình xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp.
Ths. Nguyễn Tiến Dũng (Coste), cho biết: Nhóm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ một số nội dung như xây dựng tài liệu hướng dẫn thành viên và người lao động của HTX về cách thức phân loại rác, xử lý rác; giới thiệu một số phương pháp xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ sinh học tại Việt Nam; hướng dẫn kỹ thuật vận hành dây chuyền thiết bị xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp cho cán bộ kỹ thuật của HTX.
![]() |
Băng tải vận chuyển rác do Coste hỗ trợ HTX |
Nhân rộng mô hình
Với sự chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí của Liên minh HTX Việt Nam, sự cố gắng nỗ lực của nhóm thực hiện nhiệm vụ của Coste, sau một thời gian nghiên cứu, quy trình xử lý chất thải sinh hoạt hữu cơ và phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ sinh học tại HTX đã được hoàn thiện.
Mô hình của HTX đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường (BVMT), về tầm quan trọng của việc BVMT nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng.
Duy trì và nhân rộng được mô hình HTX dịch vụ môi trường sẽ là yếu tố quan trọng góp phần thay đổi bộ mặt và chất lượng môi trường sống của người dân. Đây cũng là điều kiện quan trọng để các địa phương hoàn thiện tiêu chí môi trường, trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Nhóm thực hiện nhiệm vụ của Coste cũng đã giới thiệu và nhân rộng mô hình HTX Tân Phát bằng việc tổ chức ba cuộc hội thảo phổ biến nhân rộng một số dạng mô hình HTX dịch vụ môi trường cho các HTX tại khu vực miền Trung, Miền Nam.
Đánh giá về hiệu quả mô hình ứng dụng tại HTX Tân Phát, ông Lê Văn Nghị - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết: “Xu thế sản xuất của phân hữu cơ rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay. Phương pháp này có ý nghĩa cả về mặt thực tiễn và khoa học, cần được nhân rộng”.
Hà Xuyên