Trong ba ngày từ 30/10 đến 1/11, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu chất vấn đó là tình trạng ô nhiễm môi trường: Từ các lưu vực sông đến khu công nghiệp, làng nghề ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và cả việc chậm trễ xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường…
Ô nhiễm kéo dài
Gửi những bức xúc của cử tri đến Tư lệnh ngành TN&MT, Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) khẳng định, hiện nay về vấn đề ô nhiễm tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề đã trở nên nghiêm trọng, xảy ra trong thời gian dài nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý, khiến đời sống người dân ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Hiện nay, Bộ TN&MT đã xây dựng, nhận dạng được các loại hình gây ô nhiễm môi trường.
Riêng các KCN, hiện nay có trên 80% các KCN đã đầu tư hệ thống hạ tầng, trong đó có trên 10% lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, trong khi KCN đã có bước tiến đáng kể, thì tình hình tại CCN hiện nay hết sức nan giải. Nguyên nhân là do địa phương quy định đầu tư nên nguồn lực, nguồn nhân lực và vấn đề đầu tư còn hết sức hạn chế.
“Do đó, tỷ lệ đầu tư hạ tầng đặc biệt là đối với hạng mục xử lý nước thải tập trung, giám sát môi trường của các CCN đang là vấn đề đặt ra xem xét hiện nay”, Bộ trưởng khẳng định.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất với công nghệ lạc hậu, đặc biệt là các cơ sở tái chế, đã chuyển về các CCN. Trang thiết bị đầu tư cho vấn đề xử lý môi trường không đáp ứng thực tiễn. Nhiều CCN có người dân sinh sống nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sức khỏe của người dân.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở các KCN, CCN, Chính phủ đã ban hành 4 nghị định quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm, nội dung để kiểm soát đối với các KCN, CCN và làng nghề.
Theo Bộ trưởng, ở khu vực làng nghề, trên cơ sở dữ liệu đã có và việc lồng ghép chương trình mục tiêu với chương trình xây dựng nông thôn mới, việc triển khai đáp ứng yêu cầu về môi trường đang từng bước thực hiện.
Việc chấp hành và tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường đối với các KCN, CCN, làng nghề đều gắn với trách nhiệm quản lý đầy đủ của các Bộ: TN&MT, NN&PTNT, Công Thương; đặc biệt là vai trò của chính quyền cấp huyện trong quản lý môi trường.
Bên cạnh đó, một số đại biểu chất vấn về việc Bộ TN&MT chậm trễ trong thực hiện Quyết định 1788 của Thủ tướng về xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
![]() |
Ô nhiễm môi trường tại các CCN hiện hết sức nan giải |
Chậm trễ xử lý do thiếu vốn
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) nêu: Theo kế hoạch năm 2015 phải xử lý dứt điểm 229 cơ sở ô nhiễm môi trường và đến năm 2020 là 435 cơ sở. Tuy vậy, đến thời điểm này, mới đạt được 230 cơ sở, còn 205 đơn vị.
Đại biểu này chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà: “Trong 2 năm tới, liệu có đạt mục tiêu không?”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là vấn đề lớn, nhiều năm nay, Chính phủ đã quyết tâm xử lý vấn đề này.
Hiện nay, có gần 500 cơ sở gây ô nhiễm trên toàn quốc. Thực tế, những cơ sở này được hình thành trước khi có Luật Bảo vệ môi trường, thậm chí, có những cơ sở có trước năm 1993 là những cơ sở liên quan đến bãi rác, bệnh viện, tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh… Nhà nước sẽ bỏ kinh phí để đầu tư chủ yếu vào các cơ sở công ích và đây là quyết định cuối cùng.
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, tất cả cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân phải tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu vi phạm ở mức gây ô nhiễm nghiêm trọng phải đình chỉ hoặc đóng cửa cơ sở đó.
Để xử lý số cơ sở ô nhiễm này, Bộ trưởng cho biết cần khoảng 2.000 tỷ đồng, nhưng đến giờ mới cân đối được 500 tỷ đồng. Trong khi đó, các tỉnh, thành phải đối ứng 50% vốn trong số này.
Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương tồn tại cơ sở ô nhiễm không có nguồn thu, chủ yếu dùng ngân sách nhà nước, nên gặp khó khăn trong xử lý.
Thanh Hoa