Cũng như nhiều người dân trồng sắn dây ở tổ dân phố Măng Ngọt, ông Tống Văn Châu phần nào hiểu được cảnh “được mùa, mất giá”. Do đó, những năm về trước, ông chỉ dám sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và phụ thuộc rất nhiều vào thương lái, thời tiết, nên cây sắn dây cũng không được đầu tư và chú trọng nhiều.
Với quyết tâm làm giàu trên chính quê hương của mình và đưa cây sắn dây ra với “thế giới bên ngoài”, sau nhiều năm ấp ủ, tháng 12/2017, HTX Chế biến tinh bột sắn dây thị trấn Sơn Dương đã được thành lập, do ông Tống Văn Châu làm Giám đốc.
Bảo đảm quy trình sản xuất
Bột sắn dây của HTX được sản xuất từ nguyên liệu là củ sắn dây tươi theo hai quy trình chính: xay và sấy. Củ sắn dây được HTX chủ động trồng và thu mua của người dân. Trước đây, HTX thường mua củ sắn dây từ người dân địa phương. Nay, do nhu cầu người đặt mua bột sắn dây ngày càng đông, HTX đã đặt mua thêm sắn dây ở các vùng khác như Cao Bằng, Bắc Kạn…
Để người dân yên tâm hợp tác lâu dài nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu, HTX cam kết giá mua sắn luôn cao 1.200 đồng/kg đối với sắn loại 1. Đến vụ thu hoạch, nếu giá sắn thị trường cao hơn, HTX sẽ mua theo giá thị trường.
Song song với việc trồng và thu mua sắn dây, HTX đã đầu tư 6 bộ máy sản xuất tinh bột sắn. Tổng chi phí các loại máy móc, thiết bị, được HTX đầu tư khoảng 150 triệu đồng.
Quy trình sản xuất bột sắn dây rất nghiêm ngặt, đòi hỏi HTX tuân thủ đúng các quy chuẩn từ khâu rửa, sơ chế sắn dây tươi, đến xay, lọc, ngâm, sấy, tách tinh chất, đóng gói, bảo quản...
Nhờ sử dụng máy sấy, sau khoảng 7 - 8 giờ, hệ thống sấy có thể cho ra những mẻ tinh bột sắn dây thành phẩm. Trung bình cứ 40 - 50 tấn sắn dây tươi HTX thu được 10 tấn tinh bột, xuất bán ra thị trường với giá 120.000 đồng/kg.
Sản phẩm bảo đảm nguyên chất với quy trình sản xuất đạt chuẩn, an toàn, vệ sinh và được đóng gói ngay sau khi sấy khô. Để bảo đảm chất lượng, HTX chỉ làm bột sắn dây từ củ tươi thu mua trong ngày, không sử dụng chất bảo quản, không pha trộn. Nguồn nước sử dụng trong chế biến cũng phải là nguồn nước sạch.
Quy trình sản xuất của HTX đã được các cơ quan quản lý về ATVSTP của tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP trong sản xuất.
![]() |
Máy sấy bột sắn dây của HTX |
Chú trọng bảo vệ môi trường
Để phát triển nghề sản xuất, chế biến tinh bột sắn dây theo hướng hiện đại, bền vững, HTX Sơn Dương đang từng bước xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, để bột sắn dây có thương hiệu trên thị trường, từ đó giá trị sản phẩm được nâng cao, thu nhập của người dân được nâng lên.
Hiện nay, HTX đã tạo việc làm và thu nhập cho 100 hộ gia đình trên địa bàn và liên kết trồng sắn với 28 hộ dân nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Bình thường, chế biến tinh bột sắn gây ô nhiễm môi trường (do nước thải, và bã sắn). Chính vì vậy, trong quá trình sản xuất kinh doanh, HTX đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hệ thống biogas. Từ đó, việc xử lý bã sắn dây và nước thải đã dần bảo đảm yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước.
Bên cạnh đó, với dây chuyền thiết bị đồng bộ, hệ thống sấy bằng điện thay cho việc sản xuất thủ công hoặc sấy bằng than đã giúp giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, tạo thêm việc làm cho hàng chục lao động, tăng thêm lợi nhuận cho HTX cũng như tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Hoạt động sản xuất của HTX đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nghề trồng và chế biến sắn dây. Thông qua các giải pháp thỏa đáng từ việc sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm, HTX đã giúp các hộ thành viên gắn bó lâu dài với nghề. Đồng thời, vấn đề bảo đảm VSATTP, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường cũng được giải quyết.
Như Yến