Với lò nung công nghệ mới, HTX gốm Quyết Thành sản xuất được nhiều sản phẩm phức tạp, mẫu mã đa dạng, tỷ lệ thành công trên 95%, đồng thời giảm sức lao động của người lao động, loại trừ các tác động gây ô nhiễm môi trường…
An toàn và hiệu quả
Làng nghề gốm Quyết Thành hiện đang có 4 lò hoạt động, các hoạt động sản xuất đang dần “thay da đổi thịt” nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và từng bước đa dạng các loại sản phẩm nâng cao giá trị (chuyên, chén, lọ hoa, chậu hoa, lọ đựng rượu…).
HTX Quyết Thành được thành lập từ năm 1959 và đang trở thành “đầu tàu” dẫn dắt các hoạt động của làng nghề, đảm nhiệm tất cả các khâu về nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Đức Phú - Giám đốc HTX Quyết Thành, cho biết: “Bình quân một năm, làng nghề cho ra lò trên 6 triệu sản phẩm và bộ sản phẩm các loại. Dưới sự dẫn dắt của HTX, các sản phẩm gốm Quyết Thành không chỉ có thị trường trong nước, mà đang được xuất khẩu sang nhiều vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ...”.
Không chỉ đem lại hiệu quả cao về kinh tế, việc ứng dụng lò nung gas vào sản xuất còn đang giúp HTX giảm chi phí đầu vào, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo đảm ATLĐ cho thành viên.
“Lò gas đốt 13 tiếng và chờ nguội 13 tiếng là có thể dỡ sản phẩm, trong khi lò hộp đốt than phải mất tới 3 - 5 ngày, tùy theo từng loại sản phẩm. Do điều chỉnh được nhiệt độ trong lò, nên không chỉ màu gốm đẹp hơn, mà tỷ lệ thu hồi khi nung gốm bằng gas cũng lên tới trên 90%, trong khi nung bằng than chỉ đạt dưới 70%”, ông Phú cho hay.
![]() |
Một góc xưởng sản xuất của HTX |
Giải “bài toán” thiếu nguyên liệu
Thời gian sản xuất được rút ngắn, giúp HTX tiết kiệm đáng kể nguồn nguyên, nhiên liệu, từ đó, giảm chi phí đầu vào. Với công nghệ mới, các công đoạn nung gốm cũng được tiết giảm, đặc biệt là các khâu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
Dưới sự lãnh đạo của HTX, sự hỗ trợ kịp thời từ các dự án khuyến công của tỉnh, làng nghề gốm Quyết Thành đã dần được khôi phục và phát triển ổn định. Năng suất nâng cao giúp thu nhập của người dân địa phương được cải thiện đáng kể. Năm 2017, thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Đang có bước tiến dài về kinh tế, môi trường và ATLĐ, tuy nhiên, “bí” nguyên liệu sản xuất lại đang trở thành vấn đề nan giải của HTX và làng nghề gốm Quyết Thành.
Theo ước tính, lượng đất nguyên liệu để đáp ứng sản xuất tại làng nghề vào khoảng 400m3, tuy nhiên, nguồn đất tại chỗ đã gần cạn kiệt.
Hiện việc lấy đất nguyên liệu cho các lò sản xuất đều do HTX Quyết Thành đảm nhiệm, liên hệ với các địa phương. Kể từ năm 2016, giá đất nguyên liệu khai thác tăng gần gấp hai lần, gây nhiều khó khăn cho các hộ sản xuất gốm.
Trước thực trạng trên, Giám đốc Nguyễn Đức Phú cho rằng: “Việc chủ động nguồn nguyên liệu có vai trò quyết định đến sản xuất và phát triển bền vững của làng nghề. Vì vậy, HTX rất mong các cấp quản lý quy hoạch một khu đất riêng cung cấp nguyên liệu cho làng nghề. Như vậy, dưới sự điều hành của chi bộ, HTX, “bài toán” về nguyên liệu sản xuất sẽ được giải quyết triệt để”.
Hưng Nguyên