![]() |
Đẩy mạnh cơ giới hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất vụ Đông |
Năm 2015, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Đông Thành chính thức chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX 2012. HTX đã thu hút 647 hộ là thành viên, với vốn góp bình quân 400.000 đồng/hộ.
Góp phần bảo vệ môi trường
Hiện, HTX đang thực hiện sản xuất phục vụ sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu theo đúng cơ cấu mùa vụ. Trong đó, HTX đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn của xã với diện tích 50ha.
Để hình thành được cánh đồng mẫu lớn, HTX và lãnh đạo địa phương đã phải thay đổi tư duy sản xuất tự cung tự cấp của người nông dân sang sản xuất hàng hóa. Thêm vào đó, ngoài việc tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX đẩy mạnh thực hiện dồn điền đổi thửa nhằm bảo đảm diện tích sản xuất đủ lớn để người dân thực hiện 4 cùng: Cùng một loại giống, làm cùng thời điểm, cùng kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch cùng thời vụ để đạt hiệu quả kinh tế cao.
HTX đứng ra hỗ trợ giống, vật tư trả chậm và ký kết với doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi, đảm bảo cung cấp và tiêu thoát nước kịp thời phục vụ sản xuất.
Hai năm trở lại đây, HTX đưa vào trồng đại trà giống lúa J02 của Nhật theo chuẩn VietGAP để góp phần nâng cao chất lượng cánh đồng mẫu lớn. Đặc biệt, HTX kiểm soát chặt chẽ quy trình “3 giảm-3 tăng”, “1 phải-5 giảm” nên lúa sinh trưởng tốt, đồng đều, sâu bệnh được khống chế. Hiện, năng suất lúa trung bình đạt 55 tạ/ha.
Việc HTX áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp các thành viên nâng cao nhận thức chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng xây dựng cánh đồng mẫu lớn, nâng cao thu nhập và góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Vi Văn Giao - Giám đốc HTX, cho biết: Việc thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn đã góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe của nông dân do giảm số lần phun xịt thuốc trừ sâu. HTX cũng yêu cầu bà con thành viên chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; thuốc nằm trong danh mục cho phép lưu thông trên thị trường để nâng cao chất lượng hạt gạo.
Không để đất trống
Bên cạnh việc sản xuất 2 vụ lúa, HTX cũng quan tâm sản xuất vụ Đông để nâng cao thu nhập, tận dụng đất sản xuất.
Ngay từ đầu vụ, HTX đã xây dựng, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông dựa theo 3 tiêu chí: Đúng thời vụ, đủ giống và kịp thời phòng trừ sâu bệnh. Từ đó, HTX chỉ đạo thành viên khẩn trương thu hoạch vụ mùa, chỉnh trang lại đồng ruộng, hệ thống kênh mương và đường giao thông nội đồng để thuận tiện cho việc đi lại.
Trong đó, cây ngô là cây trồng chủ đạo của HTX trong vụ Đông. HTX cũng mở rộng diện tích các giống ngô lai, ngô nếp, ngô ngọt để nâng cao hiệu quả sản xuất…
Để giảm sức lao động và đảm bảo cây ngô gieo trồng đúng khung lịch thời vụ, HTX đã đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất. Bên cạnh trồng ngô, HTX còn thực hiện trồng xen canh các giống rau như: su hào, bắp cải, cà chua, hành… Việc trồng xen canh vừa tiết kiệm được diện tích đất vừa tận dụng chất dinh dưỡng trong quá trình chăm sóc cây màu.
Ông Vi Văn Giao cho biết: Trước đây, đất sản xuất ở thời điểm vụ Đông thường bị bỏ hoang hoặc ít được sản xuất do khó khăn về nước tưới và điều kiện thời tiết. Tuy nhiên, do làm tốt khâu thủy lợi và ứng dụng kỹ thuật nên vụ Đông giờ cũng là vụ chính trong năm.
Nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc rau màu nên tính trung bình, mỗi gia đình hộ thành viên có thể thu về 15-20 triệu đồng.
Với những giải pháp và hướng đi cụ thể, hoạt động của HTX đã xóa bỏ tình trạng độc canh, hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất còn góp phần cải tạo đất nông nghiệp, đem lại độ phì nhiêu cho đất.
Huyền Trang