Hoạt động theo Luật HTX 2012, HTX nông nghiệp Điện Quang đã không ngừng nâng cao năng lực cán bộ quản lý, chú trọng đầu tư và tận dụng tốt các chính sách ưu đãi của Nhà nước để phát triển nông nghiệp một cách hiệu quả và bền vững.
Đầu tư cho chế biến
Diện tích trồng lạc (đậu phụng) tại địa phương gia tăng cộng với tình trạng được mùa nên những người nông dân trồng lạc không mấy thuận lợi về đầu ra.
Trước thực trạng trên, HTX Điện Quang đã đầu tư 1,25 tỷ đồng trang bị máy móc, nhà xưởng, thành lập cơ sở ép dầu đậu phụng gia công và bán dầu phụng đóng chai nhãn hiệu “Đất Quảng”.
Dây chuyền sản xuất của HTX được đầu tư hiện đại với quy trình công nghệ tiên tiến - ép thủy lực. Máy sẽ vắt được kiệt nên lượng tinh dầu sẽ nhiều hơn, trong hơn, không lẫn cặn bã, tạp chất, lại rút ngắn công đoạn chế biến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mỗi ngày, dây chuyền sản xuất của HTX có thể ép khoảng 500 lít dầu. Dầu ép xong được đóng chai thành phẩm, dán nhãn mác, có địa chỉ, hạn sử dụng rõ ràng.
Sản phẩm của HTX đã đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn mác “Dầu phụng Đất Quảng”, đồng thời mua bảo hiểm cho sản phẩm. Đây là minh chứng cho vấn đề bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và hạ thấp uy tín của HTX.
Bình quân, mỗi năm nhà máy ép và cung cấp ra thị trường khoảng 5.000 lít dầu. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các siêu thị, nhà phân phối, tạp hóa lớn trên địa bàn cả nước.
Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, HTX đã thuê 10 ha đất và liên kết với 43 hộ dân xây dựng vùng chuyên canh đậu phụng. Toàn bộ diện tích đậu phụng được trồng theo quy trình hữu cơ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đứng ra đầu tư nhà máy ép đậu phụng. Đây cũng chính là khó khăn đối với HTX.
Để giải quyết đầu ra, ngoài bảo đảm chất lượng sản phẩm từ khâu nguyên liệu sạch, HTX đã hoàn thiện bộ máy, tăng cường khâu tiếp thị, phân phối sản phẩm.
Bên cạnh đó, sản phẩm của HTX cũng có mặt tại nhiều hội chợ nông sản trên cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi giúp thu hút được doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm.
![]() |
Sản phẩm “Dầu phụng Đất Quảng” của HTX |
Tận dụng phụ phẩm
Với đầu ra ổn định, hiện HTX đang lên kế hoạch mở rộng thêm khoảng 20 ha sản xuất nguyên liệu, đồng thời nâng công suất nhà máy lên gấp đôi, khoảng 10.000 lít dầu phụng/năm.
Sản xuất dầu đậu phụng sẽ cho ra một số lượng lớn phụ phẩm là bã đậu phụng. Nếu không được xử lý, phụ phẩm này sẽ làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm của HTX.
Tuy nhiên, HTX tận dụng triệt bã đậu phụng để làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bã đậu phụng được HTX kết hợp với chế phẩm sinh học, ủ trong thời gian nhất định để phân hủy thành phân hữu cơ.
“Nếu không sử dụng chế phẩm vi sinh để ủ, bã đậu phụng trong quá trình phân hủy sẽ gây mùi hôi thối rất khó chịu, làm ảnh hưởng đến môi trường. Chế phẩm vi sinh còn giúp rút ngắn 2/3 thời gian ủ phân”, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX - ông Nguyễn Đức Thành, cho biết.
Theo Ban Giám đốc HTX, loại phân hữu cơ này có rất nhiều chất đạm hữu cơ rất bền, ít bị rửa trôi nên vừa cung cấp được chất dinh dưỡng cho cây trồng, vừa tạo được độ mùn, tơi xốp cho đất.
Không dừng lại ở việc đầu tư dây chuyền chế biến dầu đậu phụng, HTX còn thực hiện dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt trong nhân dân và chế biến phân hữu cơ; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với hình thành khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Hoạt động sản xuất của HTX vừa tạo thành vòng tròn khép kín, cùng nâng đỡ và hỗ trợ nhau trong sản xuất, vừa góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, hạn chế phụ phẩm nông nghiệp.
Nhờ đầu tư bài bản, khoa học và hiệu quả, mỗi năm, HTX có doanh thu khoảng 13 tỷ đồng, tạo việc làm cũng như thu nhập ổn định cho không ít lao động tại địa phương với mức lương 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Như Yến