Một số HTX tiêu biểu hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh như: HTX nông nghiệp dịch vụ và du lịch xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), HTX Đông Tây (huyện Cẩm Mỹ). HTX nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, HTX Sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc)…
Đây là những HTX hoạt động theo mô hình sản xuất sạch, ứng dụng KH-CN vào sản xuất, quản lý và hướng tới xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất bền vững.
Rộng đầu ra nhờ sản xuất an toàn
Những năm gần đây, HTX Xuân Định đã có nhiều thay đổi. 100% các thành viên HTX đều có nhà cửa khang trang. Nhiều gia đình đã có “của ăn, của để” nhờ tích cực sản xuất sầu riêng, mít… VietGAP theo mô hình chuỗi giá trị.
Hiện nay, sản phẩm chôm chôm và sầu riêng của HTX đã đi vào kênh siêu thị với những đơn hàng lớn. Riêng sản phẩm sầu riêng đã có DN bao tiêu để xuất khẩu. HTX đang tiếp tục mở rộng nhiều mặt hàng trái cây cho kênh tiêu thụ này.
Bà Đặng Thúy Nga - Giám đốc HTX, cho biết: “Có được kết quả này là nhờ HTX đã tích cực chủ động tham gia các chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, căn cơ đầu tiên là chúng tôi đã tổ chức được vùng sản xuất chuyên canh theo chuẩn an toàn trên cánh đồng lớn”.
So với các loại cây trồng khác, sầu riêng, mít, chôm chôm đều có giá trị kinh tế cao và năng suất tốt, giá bán luôn giữ mức ổn định nên các thành viên không lo lắng tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.
Cũng đạt chuẩn VietGAP nhưng trong chuyên canh con tôm, HTX Nuôi tôm công nghệ cao Phước An (huyện Nhơn Trạch) cũng đã được thành lập và thu hút nhiều thành viên ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm siêu thâm canh.
Ngay từ khi đi vào hoạt động, HTX nhận định muốn phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường thì phải tổ chức sản xuất theo hướng sản phẩm sạch. Từ đó, HTX đã áp dụng canh tác tôm theo tiêu chuẩn VietGAP và theo tiêu chuẩn ASC, nên con tôm HTX sau thu hoạch được DN bao tiêu hết và giá bán cao hơn thị trường 5 - 10%/kg tôm nguyên liệu.
Theo tính toán, một năm, HTX thu hoạch ước đạt 150 tấn tôm, lợi nhuận 270 triệu đồng/ ha. Thực tế áp dụng quy trình sản xuất VietGAP đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận, cải thiện môi trường sống của các loài thủy sản và quan trọng là con tôm sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, đạt chuẩn xuất khẩu.
![]() |
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của HTX Phước An |
Phát triển theo chiều sâu
Những HTX sản xuất theo chuẩn an toàn có đầu ra ổn định là kết quả khả quan trong sản xuất nông nghiệp tại Đồng Nai, bởi tình hình hoạt động của nhiều HTX những năm trước gặp rất nhiều khó khăn.
Thời gian gần đây, nhờ sự đầu tư, liên kết và không ngừng nâng cao chất lượng quản lý, các HTX nông nghiệp đã có bước phát triển và hoạt động dần đi vào chiều sâu.
Từ năm 2016, HTX nuôi tôm công nghệ cao Phước An đã đầu tư lót bạt ny lông ở đáy ao và làm lưới lan che phía trên không gian ao nuôi, có hệ thống xử lý nước ao, máy cho tôm ăn tự động… cho tôm.
Với sự chuyển đổi này, năng suất tôm mỗi vụ thu hoạch cao gấp 3 - 4 lần so với nuôi ao đất. Mỗi năm, HTX nuôi được 4 - 5 vụ chứ không chỉ làm được hai vụ như cách nuôi truyền thống. Rủi ro dịch bệnh cũng được kiểm soát tốt hơn.
Không những hạn chế được dịch bệnh, các thành viên còn có được sản phẩm tôm sạch, không có dư lượng kháng sinh, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
“Để HTX nông nghiệp phát triển vững chắc, ngành nông nghiệp sẽ triển khai đa dạng các hình thức hợp tác của nông dân gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao chuỗi giá trị và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững”, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai Huỳnh Thành Vinh, cho biết.
Như Yến