![]() |
Thủy sản VietGAP có nhiều tiềm năng phát triển ở Bắc Ninh (Ảnh Tư liệu) |
Nhiều triển vọng phát triển
Có thành công tích cực với mô hình nuôi cá theo quy chuẩn VietGAP, ông Trần Văn Cương, xã Trung Kênh (huyện Lương Tài) định kỳ 2 tuần một lần bắt cá lên để cân đo, các thông số được ghi chép cẩn thận.
Việc xác định các thông số cụ thể là cơ sở để ông Cương đánh giá mức độ phát triển của cá nhằm định hướng khối lượng thức ăn cho phù hợp với từng giai đoạn, giảm thiểu tỷ lệ thất thoát thức ăn và đặc biệt là tránh việc thức ăn dư thừa làm ảnh hưởng đến môi trường nước, bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngoài ra, tất cả các hoạt động, khả năng ăn mồi của cá nuôi, các yếu tố môi trường nước, pH, độ trong, nhiệt độ, các loại địch hại đều được gia đình ông Cương theo dõi và kiểm tra sát sao hàng ngày.
“Định kỳ 10 - 12 ngày, ao được khử trùng bằng vôi bột, chế phẩm vi sinh nhằm duy trì màu nước, ổn định pH, loại bỏ các yếu tố gây ô nhiễm môi trường”, ông Cương bật mí.
Với 1,5 mẫu mặt nước nuôi thả cá, nhờ áp dụng quy trình VietGAP, chú trọng bảo vệ môi trường nước, gia đình ông Cương thu về bình quân 9 - 10 tấn cá/năm, tăng 3 - 4 tấn so với khi áp dụng phương thức nuôi trồng truyền thống.
Cũng ở huyện Lương Tài, nhờ điều kiện khí hậu, tự nhiên, nguồn nước thuận lợi, các HTX, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản VietGAP đang phát huy hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, đóng góp vào giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương.
Với mô hình nuôi trồng thủy sản cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, HTX nuôi trồng thủy sản Phú Thọ (xã Quảng Phú) đang nổi lên như một điểm sáng về phát triển kinh tế địa phương.
Nhờ sự hợp tác, liên kết cùng phát triển, đến nay, trên 90% số hộ thành viên HTX có doanh thu bình quân hơn 300 triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ đạt 700 - 800 triệu đồng/năm. HTX trở thành “bệ đỡ” vững chắc, thúc đẩy quá trình sản xuất, bảo vệ quyền lợi cho các hộ thành viên.
![]() |
Các HTX, tổ hợp tác thủy sản đang cho thấy hiệu quả cao (Ảnh TL) |
Phát triển bền vững
Ông Đinh Viết Huy - Giám đốc HTX Phú Thọ, cho biết ngay từ khi thành lập, tôn chỉ hoạt động của HTX là “phát huy vai trò của tập thể để nâng cao thu nhập của các thành viên”.
Vì vậy, HTX trực tiếp đứng ra tổ chức sản xuất, phát triển sản xuất an toàn, xây dựng chuỗi giá trị, đồng thời tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, tìm kiếm hợp đồng liên kết từ doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm với giá ổn định cho các hộ thành viên.
Để phát triển bền vững, bên cạnh đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, HTX chú trọng phát triển sản xuất sạch, đảm bảo quy trình sản xuất VietGAP, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là chất lượng nguồn nước.
“Trong quá trình sản xuất, thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật trước và sau mỗi vụ, thường xuyên cập nhật các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Quá trình sử dụng thức ăn chăn nuôi, vận hành máy móc được HTX kiểm soát chặt chẽ, ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học để nâng cao năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, Giám đốc Đinh Viết Huy nhấn mạnh.
Hoạt động trên địa bàn huyện Thuận Thành, HTX thủy sản Trường Mạnh đang được ví như "ngôi sao sáng trên dòng sông Đuống". Tận dụng chất lượng nước từ sông, HTX thực hiện nuôi và kinh doanh cá lăng, cá chép giòn, cá diêu hồng với tổng diện tích nước mặt 5.000 m2. Đây cũng là sản phẩm chủ lực của xã Mão Điền.
Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, ngay từ vị trí đặt lồng, HTX đã tính toán, bảo đảm toàn bộ lồng cá nằm trong vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương, không bị ảnh hưởng bởi lũ, phương tiện giao thông thủy, mực nước không bị thay đổi đột ngột, không có dòng xoáy và không bị ảnh hưởng của các nguồn gây ô nhiễm.
Tất cả các dụng cụ, thiết bị sử dụng trong quá trình nuôi phải bảo đảm không gây tổn hại cho cá, dễ vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Các động cơ và thiết bị máy móc sử dụng cũng được HTX đầu tư mới, bảo đảm không rò rỉ xăng dầu vào nguồn nước.
Nhờ nuôi cá khoa học, 85 lồng cá (90% là cá lăng) của HTX đã được Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam cấp giấy chứng nhận VietGAP vào năm 2017. Cá ít dịch bệnh, lớn nhanh nên sản lượng đạt 500 - 600 tấn/năm, mang về doanh thu khoảng 25 tỷ đồng mỗi năm.
Ngoài ra, nhờ HTX đứng ra làm đầu mối mua trực tiếp thức ăn chăn nuôi nên các hộ thành viên tiết kiệm được nhiều chi phí, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hưng Nguyên