![]() |
Không còn "bình mới, rượu cũ", các HTX đang đóng góp tích cực trong tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh (Ảnh Tư liệu) |
"Bình" mới, "rượu" cũng mới
Từ nền tảng là một HTX dịch vụ nông nghiệp đơn thuần, đến nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc (huyện Gia Bình) trở thành điểm tựa vững chắc cho thành viên trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Bằng hình thức liên kết, HTX đưa vào nhiều cây trồng giống mới có giá trị như ớt, nghệ, củ cải… và ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu một số sản phẩm cho thành viên, hộ liên kết với giá cả ổn định.
HTX đã xây dựng thành công mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP với quy mô 10 ha. Trên 80% diện tích được doanh nghiệp cam kết thu mua, cung ứng cho các siêu thị tại TP Hà Nội với giá cao hơn 10 - 20% nên nông dân càng thêm quyết tâm sản xuất theo hướng an toàn.
Cuối năm 2018, HTX đã khai trương cửa hàng giới thiệu sản phẩm và bán rau an toàn tại thị trấn Gia Bình. Nhờ đó, thu nhập bình quân trên diện tích canh tác ở Ngăm Mạc đạt 150 triệu đồng/ha/năm, dẫn đầu huyện Gia Bình.
Ông Nguyễn Đắc Thành, Giám đốc HTX chia sẻ: “Sau khi tổ chức lại theo đúng Luật HTX 2012, chúng tôi xác định phải vận hành mô hình HTX như một doanh nghiệp, phải làm ăn có lãi thì mới thu hút được các thành viên góp vốn, công sức, khiến họ tin tưởng và phát huy hết khả năng”.
Cùng với Ngăm Mạc, Luật HTX 2012 được triển khai thực tiễn cũng đang tạo nên bước chuyển quan trọng tại nhiều HTX "tên tuổi" ở tỉnh Bắc Ninh như: HTX VAC, HTX nuôi cá lồng ở Gia Bình, Lương Tài; HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Lân và Nguyệt Cầu (Yên Phong); HTX Nghĩa Đạo (Thuận Thành); HTX rau sạch Yên Dũng…
![]() |
Sự chủ động đổi mới toàn diện, thực chất giúp các HTX phát triển mạnh, bền vững hơn (Ảnh TL) |
Đổi mới thực chất để phát triển bền vững
Trong 4 tháng đầu năm 2020, dù chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, HTX rau sạch Yên Dũng (xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng) vẫn đạt tổng doanh thu hơn 15 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Mô hình trồng rau an toàn của HTX rau sạch Yên Dũng triển khai từ tháng 9/2016 với quy mô ban đầu là 13 ha. Đến nay, HTX mở rộng quy mô lên 60 ha với gần 100 lao động trực tiếp. HTX đang có 10 ha được sản xuất theo mô hình nhà màng công nghệ cao, 2ha nhà lưới đơn giản.
“Sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX chủ động đổi mới phương thức sản xuất toàn diện theo hướng hiện đại một cách thực chất thay vì chỉ “bình mới, rượu cũ”, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ. Điều này đã phát huy nội lực của HTX, mang lại thành công hiện tại”, đại diện HTX rau sạch Yên Dũng cho hay.
Việc đẩy mạnh thực hiện Luật HTX năm 2012 của Liên minh HTX tỉnh Bắc Ninh cùng sự chủ động của các HTX đang tạo động lực cho khối kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 648 HTX, trong đó có 521 HTX nông nghiệp, tổng số thành viên đạt hơn 93.000 người.
Năm 2019, doanh thu bình quân mỗi HTX dịch vụ nông nghiệp của tỉnh đạt 118 triệu đồng. Nhiều HTX mới thành lập ngay từ đầu đã xây dựng mô hình liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh những thành công bước đầu, khu vực kinh tế hợp tác, HTX của tỉnh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như đội ngũ cán bộ trình độ cao trong HTX còn thiếu, chất lượng nguôn nhân lực chựa cao, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, khó khăn về vốn đầu tư, quỹ đất mở rộng sản xuất, thị trường tiêu thụ…
Những khó khăn trên đòi hỏi các cơ quan chức năng địa phương và tỉnh Bắc Ninh cần tăng cường quan tâm, tạo điều kiện giúp các HTX từng bước tháo gỡ, tạo ra những chuyển biến sâu trong hoạt động, từ đó trở thành điểm tựa phát triển cho nông dân.
Minh Nhật