Sau gần 9 năm chuyển đổi diện tích từ nương ngô kém hiệu quả sang trồng quế, hơn 1.000 cây quế của gia đình ông Thèo A Sùng ở bản Huổi Ping, xã Mường Toong đã phát triển rất tốt và cho thu hoạch.
Mạnh dạn thay thế diện tích cây trồng kém hiệu quả
Ông Sùng cho biết, trồng quế cũng như cây lâm nghiệp khác, vất vả chăm sóc 2 - 3 năm đầu, sau đó cây khép tán là không mất công phát cỏ, từ năm thứ 5 trở đi có thể tỉa cành, tỉa thưa cây bán dần.
Hiện gia đình ông có hơn 12 ha quế, trong đó có 2 ha đã có thể cho thu hoạch. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế mang lại giá trị kinh tế cao, mỗi ha quế cho thu nhập khoảng 500 - 600 triệu đồng. Định hướng của gia đình ông trong thời gian tới, mỗi năm sẽ phát triển từ 1-2 ha quế.
Từ mô hình của ông Thèo A Sùng, nhiều người dân trên địa bàn xã Mường Toong đã mạnh dạn thay thế diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế. Mường Toong hiện là xã có diện tích quế lớn nhất trong huyện với trên 200 ha, tập trung chủ yếu ở các bản như Huổi Ping, Mường Toong 1, Mường Toong 3.
![]() |
Mường Nhé đã định hướng người dân chuyển đổi dần sang trồng cây lâu năm, nhờ đó đã mở hướng thoát nghèo cho nhiều hộ dân. |
Ngoài cây quế, nhiều hộ dân ở Bản Nậm Là xã Mường Nhé đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để phát triển cây cao su tiểu điền.
Gia đình anh Sùng A La, bản Nậm Là, xã Mường Nhé đã quyết định bán đi 2 con trâu để lấy vốn mua giống cây cao su về trồng tại các bãi nương đã bạc màu.
Hiện nay trên tổng diện tích hơn 3 ha gia đình anh đã trồng được hơn 1.500 cây cao su. Hy vọng có được một cuộc sống khá hơn khi cây cao su cho thu hoạch, anh Sùng A La cho biết: “Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục vay mượn mua giống để trồng vào những diện tích nương của gia đình không thể canh tác được”.
Tìm hiểu về quá trình trồng cây cao su tiểu điền, anh Sùng A Hử, bản Nậm Là, xã Mường Nhé tâm sự: “Khi chưa hiểu gì nhiều về kỹ thuật trồng cây cao su, tôi đã đi tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc qua công nhân của Nông trường cao su Hoa Ban Mường Nhé”.
Sau khi trồng thử thấy cây cao su phát triển khá tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, anh Sùng A Hử đã mạnh dạn bán đàn gia súc được hơn 40 triệu đồng đặt mua cây giống qua chợ cửa khẩu A Pa Chải - Long Phú về trồng.
Đến nay gia đình anh đã trồng được 3ha với hơn 1.600 cây, hiện nay, cây cao su phát triển khá tốt, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Tìm đầu ra cho cây công nghiệp
Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Nhé, với trình độ dân trí thấp, kỹ thuật canh tác của người dân còn hạn chế, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao thì việc phát triển cây cao su là việc làm mới và khó đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hơn nữa mức đầu tư vốn lớn mà lại kéo dài đến 5 - 6 năm mới cho thu hoạch.
Để thúc đẩy phát triển trồng cây cao su tiểu điền trong các vùng đồng bào dân tộc, huyện cũng đã đề nghị các chính sách hỗ trợ về vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Có như vậy mới giúp cho đồng bào dân tộc theo đuổi và phát triển cây cao su, góp phần đẩy nhanh lộ trình công tác xóa đói giảm nghèo.
Còn theo ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Toong cho hay, xác định trồng cây công nghiệp lâu năm là một hướng phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững, định hướng của xã là tạo điều kiện cho việc hỗ trợ đầu ra cho hơn 500 ha cây quế trên địa bàn xã. Do vậy, xã Mường Toong đã thành lập HTX với nhiệm vụ ươm, phân phối giống cây, hỗ trợ người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quế, thu mua sản phẩm.
Ông Giảng A Tủa, Giám đốc HTX dịch vụ trồng và chế biến Quế Huổi Ping, Bản Huổi Ping, xã Mường Toong cho biết, những năm gần đây, việc phát triển cây quế trên địa bàn xã diễn ra mạnh mẽ. HTX được thành lập và đi vào hoạt động nhằm góp phần giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm từ cây quế cho người dân trên địa bàn xã cũng như các khu vực lân cận.
![]() |
Các HTX đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. |
Từ đó vừa hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm quế cho người dân với giá cao, ổn định, vừa giúp HTX nâng cao hiệu quả hoạt động. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỗi năm HTX thu mua khoảng 450-700 tấn vỏ quế, 300-500 tấn cành, lá quế.
“Để nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX đã đầu tư máy bào vỏ quế, máy đập cành, máy xẻ để phục vụ cho việc sơ chế vỏ, cành, lá, thân quế. Ngoài ra, HTX còn tập trung phát triển mô hình ươm cây giống và bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 300.000-500.000 cây quế giống”, ông Giảng A Tủa cho hay.
Phát triển bền vững, hướng đến xuất khẩu
Là huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới Mường Nhé thuộc một trong những huyện nghèo nhất cả nước, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ đói nghèo cao. Để giúp đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc của huyện có điều kiện thoát nghèo.
Ngoài các chính sách của huyện, thì Liên minh HTX tỉnh Điện Biên cũng đã đề nghị Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng mô hình HTX phát triển gắn với chuỗi giá trị sản phẩm trên địa bàn huyện. Đồng thời, phối hợp giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh sẽ ưu tiên việc vận động, tư vấn hỗ trợ thành lập mới các HTX có nguồn nhân lực trẻ tuổi và tập huấn, nâng cao kỹ năng, trình độ cho họ.
Ưu điểm của những người trẻ là khả năng thích ứng, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng sức mạnh 4.0 trong mọi hoạt động. Việc ngày càng có nhiều người trẻ tham gia phát triển HTX sẽ là một tín hiệu tốt đối với hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn.
Đồng thời, Liên minh HTX Việt Nam cũng đã phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số cho các HTX, tập huấn, tư vấn, hỗ trợ tiếp cận các chính sách về kinh tế tập thể, tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh cho các thành viên; Kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử, năng lực quản lý và tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm hàng hóa dịch vụ gắn với phát triển thương hiệu, marketing, chăm sóc khách hàng, SEO; Mô hình kinh doanh online.
Nhờ được hỗ trợ thường xuyên mà tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 70,02% năm 2019 xuống còn 51,13% năm 2024, bình quân hàng năm giảm trên 3%/năm.
Cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ rệt, hệ thống điện, đường, trường, trạm, các công trình phúc lợi trường học, trạm y tế, điện, nước, thủy lợi, nhà văn hóa... được đầu tư đồng bộ, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Hoàng Hằng