Di cư từ miền Bắc vào tỉnh Lâm Đồng để lập nghiệp, nhận thấy cây cà phê cằn cỗi, giá xuống thấp nên ông Lê Văn Biết (tại thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà) chặt bỏ hết cây cà phê để chuyển sang trồng cây Đương quy cùng các cây dược liệu khác.
Suýt mất vợ vì đam mê cây
Những năm 80 về trước, các làng quê nghèo miền Bắc, trong đó có gia đình ông Biết di cư vào các tỉnh Tây Nguyên theo chủ trương của Nhà nước. Thời còn trẻ, đi bộ đội ở Cao Bằng, ông thường xin theo các vị thầy lang vào rừng già tìm các vị thuốc quý về chữa trị cho cán bộ, bộ đội.
Những ngày băng rừng, thầy lang bản địa lần lượt giải thích ngọn nguồn công dụng của các loài cây dược liệu cho ông. “Từ đó, niềm đam mê tìm hiểu về cây dược liệu của tôi cứ lớn dần”, ông Biết nói.
Được hỗ trợ đất đai cộng với điều kiện tự nhiên thuận lợi từ chính quyền địa phương, ông cần cù lao động cải tạo, vun trồng những diện tích đồi hoang sơ thành nhiều diện tích cà phê tươi tốt. Theo tháng năm, những gốc cà phê ngày càng cằn cỗi, già nua và cho năng suất thấp khiến ông Biết lắm lúc trăn trở.
Đến năm 2013, người dân thôn Tầm Xá không thể tin vào mắt mình khi lão nông Lê Văn Biết một mình vào rẫy, tự tay đốn hạ toàn bộ diện tích cà phê vườn nhà đang ra trái.
Chặt cà phê xong, ông đi biền biệt. Vài tháng sau, người dân thấy dáng lão nông Lê Văn Biết lục tục quay về vác trên lưng bao hạt giống. Chẳng nói chẳng rằng, một mình ông vào rẫy hì hục tỉa, cải tạo đất khiến nhiều người bảo ông dở người. Lời chê bai đến tai bà Nguyễn Thị Trọng (vợ ông Biết) khiến bà lo lắng.
“Hồi đó, tôi bàn với vợ bỏ cà phê trồng dược liệu nhưng bà phần vì lo ngại, phần vì sợ người đời chê bai nên không đồng ý. Dù vậy nhưng tôi đã quyết là làm”, ông Biết kể.
Với kiến thức cơ bản về cây dược liệu, ông Biết mạnh dạn liên hệ với Viện Nghiên cứu cây trồng dược liệu Trung ương đặt hạt giống cây Đương quy về trồng trên diện tích 4.000 m2.
“Tôi can mãi nhưng chồng vẫn quyết trồng dược liệu. Lúc đó, vợ chồng tôi định ly hôn vì ổng cố chấp, đến khi tôi nghĩ lại vợ chồng sống từ thuở cơ hàn, giờ chồng quyết làm giàu mình phải ủng hộ chứ làm sao mà bỏ đi được”, bà Trọng tâm sự.
Thành quả sau một năm trồng Đương quy mang lại hiệu quả ngoài mong đợi. Mọi yếu tố như năng suất, sản lượng, chất lượng củ Đương quy được đánh giá cao và được các công ty dược liệu ở Hà Nội đặt hàng mua hết.
![]() |
Ông Biết tại vườn Đương quy |
Thành lập HTX giàu mạnh
Tháng 8/2017, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, ông Biết mạnh dạn thành lập HTX Dược liệu Biết Lộc Thành với 23 thành viên, trồng trên 20 ha dược liệu.
Theo ông Biết, việc thành lập HTX dược liệu nhằm khuyến khích nông dân trong và ngoài tỉnh liên kết phát triển cây dược liệu. Khi vào HTX, mỗi thành viên phải có diện tích đất trên 1 ha. HTX sẽ cung cấp nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các thành viên.
Trong sản xuất kinh doanh, tiêu chí hàng đầu của HTX là nói không với thuốc bảo vệ thực vật. Để kiểm tra quy trình khi các thành viên đều ở nhiều tỉnh thành, sau khi thu hoạch, HTX sẽ lấy nhiều mẫu dược liệu bất kỳ để xét nghiệm. Nếu các sản phẩm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hoặc không đạt chất lượng, HTX sẽ loại ngay.
Lựa chọn chặt bỏ cà phê để trồng cây dược liệu, ông Biết giải thích ở Việt Nam có điều kiện trồng cây dược liệu nhưng thực tế các dược liệu bày bán trên thị trường vẫn còn không ít loại xuất xứ không rõ ràng, chất lượng không bảo đảm.
Từ những suy nghĩ đó, ông muốn xây dựng một HTX trồng cây dược liệu hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; quy trình trồng trọt, chế biến đều bảo đảm theo tiêu chuẩn VietGAP...
“Qua quá trình khảo sát, tôi chọn trồng Đương quy, thâm canh thêm cây Ba hoàn, Hà thủ ô đỏ, Đan sâm… bởi những dược liệu này thích hợp với thổ nhưỡng bản địa, ít dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Biết chia sẻ.
Hiện, HTX Dược liệu Biết Lộc Thành thu mua củ Đương quy của các thành viên với mức giá 25.000 đồng/kg. Nếu trồng Đương quy theo tiêu chuẩn quy trình kỹ thuật của HTX, sản lượng đạt khoảng 30 tấn/ha với thu nhập trừ các chi phí, mỗi nông dân thu trên 700 triệu đồng/ha.
Đối với các công ty dược liệu lớn trên cả nước, HTX Biết Lộc Thành ký kết hợp đồng cung cấp dược liệu với giá ổn định, không thay đổi trong vòng 3 năm để tăng sự uy tín và tạo công ăn việc làm ổn định cho thành viên.
Nhận thấy hiệu quả từ việc trồng cây dược liệu của lão nông Lê Văn Biết, UBND huyện Lâm Hà đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng xây dựng một kho lạnh với công suất bảo quản 40 tấn nguyên liệu khô cho HTX.
Trên thị trường, sản phẩm dược liệu của HTX Biết Lộc Thành cũng được Viện Dược liệu (Bộ Y tế) lấy mẫu phân tích và kiểm nghiệm, kết quả đạt các tiêu chuẩn hàm lượng dược chất theo quy định.
Hà Xuyên