Tham gia OCOP cũng chính là nền tảng giúp Quảng Ninh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
HTX là nòng cốt
Sau 5 năm, đến nay, tỉnh có gần 150 tổ chức kinh tế và cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP với trên 400 sản phẩm. Đặc biệt, trong số đó có 57 HTX tham gia Chương trình OCOP, phát triển được 25 thương hiệu sản phẩm, sản xuất 65 nhóm sản phẩm. Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh như: ba kích Ba Chẽ, chả mực Hạ Long, nước mắm Cái Rồng, nấm Long Hải, rau Việt Long, khoai lang Móng Cái, Chè Đường Hoa Hải Hà…
![]() |
Miến Bình Liêu là sản phẩm OCOP tiêu biểu của Quảng Ninh |
Để mô hình mỗi xã phường một sản phẩm phát triển hiệu quả, vai trò kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX, Tổ hợp tác rất quan trọng vì giúp quá trình sản xuất khoa học, bảo đảm an toàn vệ sinh, từ đó đưa các sản phẩm nhanh chóng hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, phát triển thương hiệu.
Có thể kể đến các hộ dân xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ đã liên kết thành lập HTX và tham gia Chương trình OCOP với mục tiêu cùng sản xuất, xây dựng thương hiệu ổi Hoành Bồ trở thành sản phẩm OCOP.
Ông Vũ Minh Thường, Giám đốc HTX Dịch vụ và Sản xuất nông, lâm nghiệp Toàn Phú, cho biết khi xây dựng ổi Hoành Bồ thành sản phẩm OCOP, thànhviên có nhiều cơ hội quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm ngày càng được thị trường biết đến, có uy tín, thương hiệu nên tiêu thụ dễ dàng hơn, nông dân có thu nhập ổn định và ngày càng cao.
Bởi vậy, diện tích ổi của HTX đã được mở rộng thành 60ha. Để xây dựng thương hiệu HTX đang thực hiện quy trình VietGAP, đầu tư mẫu mã bao bì đạt sản phẩm 3 sao.
HTX Phát triển Đình Trung (Húc Động-Bình Liêu) tham gia Chương trình OCOP với mong muốn phát triển các sản phẩm truyền thống (miến dong). HTX cũng được hỗ trợ cả về vốn và kỹ thuật. Nhờ đó, mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 50 tấn miến thương phẩm, doanh thu đạt 3 tỷ đồng. Sản phẩm miến đã được tiêu thụ tại địa bàn và đưa ra các tỉnh khác. Do phát triển ổn định nên HTX đã tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập gần 5 triệu đồng/người/tháng.
Cũng giống như ổi Hoành Bồ, miến Bình Liêu, nhiều sản phẩm OCOP được các HTX, Tổ hợp tác, doanh nghiệp phát triển dựa trên lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương như: ba kích Ba Chẽ, chả mực Hạ Long, nước mắm Cái Rồng, nấm Long Hải, rau Việt Long, khoai lang Móng Cái…
Góp phần bảo vệ môi trường
Không chỉ phát triển nhanh về số lượng mà chất lượng, mẫu mã bao bì thương hiệu sản phẩm OCOP cũng được tỉnh chú trọng đầu tư nâng cao. Hằng năm, tỉnh đã ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình xây dựng nông thôn mới phân bổ cho các địa phương đầu tư những dự án phát triển sản xuất nhằm thu hút doanh nghiệp, HTX, người dân mạnh dạn đăng ký tham gia nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả. Từ đó, thúc đẩy các hình thức liên kết tổ chức sản xuất, đáp ứng nguyên liệu đầu vào cung cấp, chế biến cho những sản phẩm OCOP của địa phương.
![]() |
Nhiều HTX tại Quảng Ninh đã đầu tư cơ sở vật chất nhằm ổn định đầu ra và bảo vệ môi trường |
Cùng với sự hỗ trợ từ tỉnh, nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn cũng đã mạnh dạn đầu tư thiết bị sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm. Tiêu biểu như công ty Cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Hải Hà, dù mới thành lập được hơn 1 năm nhưng đã sở hữu 3 sản phẩm OCOP của huyện, gồm: Tôm he cấp đông; mực ống cấp đông; cá thu một nắng Hải Hà.
Công ty mạnh dạn đầu tư hơn 900 triệu đồng lắp đặt hệ thống 4 kho lạnh và 1 máy cấp đông thủy sản để sản xuất khép kín, tăng thời lượng bảo quản sản phẩm lên 6 tháng đến 1 năm. Đơn vị này cũng tiếp tục nâng cấp 2 sản phẩm OCOP là tôm và mực cấp đông đạt từ 3 sao lên 4-5 sao.
HTX Nông, lâm, ngư nghiệp Thái An (Tp Móng Cái) đã phát triển chuỗi giá trị chùm ngây, bột khoai lang, từ vùng nguyên liệu đầu vào đến dây chuyền máy móc chế biến hiện đại cũng như liên kết với hệ thống đại lý, doanh nghiệp cung cấp đầu ra.
Có thể nói, những năm gần đây, các HTX, Tổ hợp tác, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển hướng đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại vào chế biến sâu các sản phẩm OCOP để đầu ra sản phẩm ngày càng nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường. Cách làm này cũng giúp sản phẩm được nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh môi trường, từ đó thúc đẩy nền nông nghiệp Quảng Ninh phát triển xanh-bền vững.
Huyền Trang