Anh Ngô Mạnh Cường - Giám đốc HTX mật ong bạc hà Tuấn Dũng, cho biết HTX được thành lập từ năm 2005. Kể từ khi ra đời, HTX đã và đang không ngừng mở rộng quy mô, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, nhằm mang lại lợi ích toàn diện về kinh tế, đời sống, an toàn lao động (ATLĐ) cho thành viên.
Xuất phát điểm với 80 đàn ong mật, đến nay, HTX Tuấn Dũng (Mèo Vạc, Đồng Văn, Hà Giang) đã có gần 3.000 đàn, trở thành đơn vị “đầu tàu” trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mật ong, góp phần khơi dậy phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Bứt phá nhờ sản xuất an toàn
Năm 2013, Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mật ong bạc hà Mèo Vạc, như chắp thêm đôi cánh để HTX Tuấn Dũng nâng tầm thương hiệu, hoàn thiện quy trình sản xuất an toàn, đem lại lợi ích bền vững cho thành viên, nông dân liên kết.
Để nâng tầm sản xuất, chất lượng nhân lực là yếu tố được HTX quan tâm hàng đầu. Hiện tại, HTX đang có đội ngũ cán bộ, cộng tác viên kỹ thuật lành nghề, làm chủ quy trình sản xuất an toàn trong tất cả các khâu, từ nhân giống, chăm sóc, chế biến đến khai thác, tiêu thụ sản phẩm.
Về kỹ thuật, HTX triển khai quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật và phòng trừ dịch bệnh, ghi chép nhật ký để truy xuất nguồn gốc, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm.
Đơn cử, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX và các hộ liên kết được đào tạo kỹ lưỡng về nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời, được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ chuyên dụng (áo, găng tay, mũ lưới…), bảo đảm tuyệt đối ATLĐ khi chăm sóc đàn ong.
Nhờ sản xuất an toàn, năng suất, chất lượng sản phẩm mật ong của HTX được nâng lên. Kể từ năm 2015 đến nay, sản lượng mật ong chế biến và tiêu thụ bình quân của HTX đạt trên 15.000 lít/năm, chiếm xấp xỉ 30% sản lượng mật tiêu thụ toàn huyện.
Sản lượng mật gia tăng, giá bán ổn định ở mức cao, giúp doanh thu của HTX liên tục được nâng lên. Trong hai năm 2017 và 2018, tổng doanh thu của HTX đạt trên 6,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận xấp xỉ 2 tỷ đồng/năm.
![]() |
HTX đang có gần 3.000 đàn ong mật, doanh thu trên 6,5 tỷ đồng/năm |
Mô hình nuôi ong trên cao nguyên đá
Phát triển mô hình nuôi ong từ năm 2013, anh Hoàng Ngọc Thành - thành viên liên kết của HTX Tuấn Dũng, chia sẻ: “Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật, hiệu quả từ nghề nuôi ong mật ngày càng được bảo đảm. Hàng năm, với sản lượng bình quân 400 lít mật, tôi thu về trên 150 triệu đồng”.
“Không chỉ gia tăng về hiệu quả kinh tế, sự có mặt của HTX đang làm thay đổi tập quán sản xuất của người nuôi ong trên địa bàn. Phương thức sản xuất an toàn đẩy mạnh triển khai, người sản xuất chú trọng ATLĐ, vệ sinh thực phẩm và ưu tiên cho chất lượng thay vì số lượng”, anh Thành cho biết.
Nghề nuôi ong vốn có truyền thống lâu đời ở Mèo Vạc, tuy nhiên, sự ra đời của HTX vào năm 2005 trở thành bước ngoặt thay đổi cuộc sống của người nuôi ong, không chỉ với 50 hộ thành viên HTX, mà với hầu hết các hộ nuôi ong trên địa bàn.
Toàn huyện Mèo Vạc hiện có trên 8.000 đàn ong mật, trong đó, HTX chiếm xấp xỉ 3.000 đàn. Trước đây, các hộ nuôi ong chủ yếu theo hình thức tự phát, nhưng trước sự thành công của HTX, nhiều hộ đã làm theo, mạnh dạn đầu tư, nhân rộng đàn ong theo hướng hàng hóa.
Việc sản phẩm mật ong bạc hà của HTX được đăng ký chất lượng, bảo hộ kiểu dáng, nhãn mác, có chỉ dẫn địa lý và được thị trường đánh giá cao cũng là nền tảng vững chắc để thành viên HTX và các hộ nuôi ong ở Mèo Vạc vững tin phát triển sản xuất theo hướng an toàn.
Hoạt động hiệu quả của HTX cũng là một trong những yếu tố giúp huyện Mèo Vạc trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Hà Giang được thành lập Hội Nuôi ong. Hiện nay, sản phẩm Mật ong bạc hà Hà Giang đã trở thành đặc sản cho du khách thập phương khi đến với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
“Mèo Vạc đang hướng tới mục tiêu phát triển 20.000 đàn ong theo hướng hàng hóa vào năm 2020. Để đạt mục tiêu này, HTX trở thành lực lượng nòng cốt, đóng vai trò dẫn dắt sản xuất, kết nối tiêu thụ, đảm bảo lợi ích bền vững cho người dân”, Giám đốc Ngô Mạnh Cường cho hay.
Hưng Nguyên