![]() |
Các HTX tại Cần Đước đang liên kết để nâng cao sức mạnh |
Thành lập Liên hiệp HTX
Năm 2018, khu vực kinh tế hợp tác của huyện Cần Đước, tỉnh Long An đã gây một tiếng vang lớn khi thành lập Liên hiệp HTX Cần Đước với 9 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn điều lệ 1 tỷ đồng.
Theo UBND huyện Cần Đước, Liên hiệp HTX ra đời với sứ mệnh dẫn dắt sản xuất, tạo điều kiện để các HTX và doanh nghiệp trên địa bàn liên kết, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và quan trọng nhất là phát triển sản xuất an toàn, mag lại lợi ích toàn diện về kinh tế, ATLĐ cho người dân.
HTX rau an toàn Phước Hòa hiện có 42 thành viên, tổng diện tích sản xuất trên 14 ha, là một thành viên của Liên hiệp HTX Cần Đước. Nhờ hoạt động tích cực, HTX đã được tỉnh hỗ trợ 30% vốn để đầu tư xây dựng 500m2 nhà màng, mua máy gieo hạt và hệ thống tưới nước tự động để sản xuất rau thủy canh.
Ông Kiều Anh Dũng – Giám đốc HTX Phước Hòa, cho hay trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, liên kết là hướng đi tất yếu để các HTX gia tăng nội lực, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi gắn với ATLĐ nhằm mang đến những lợi ích bền vững cho thành viên, nông dân.
Trước những đòi hỏi của thực tiễn, Liên hiệp HTX đực thành lập và trở thành đơn vị tiên phong trong việc liên kết các HTX trên địa bàn huyện lại với nhau.
Tham gia Liên hiệp HTX, các HTX thành viên tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người lao động phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...
![]() |
Sản xuất hiện đại gắn với ATLĐ ngày càng được các HTX chú trọng |
Chú trọng sản xuất an toàn
Anh Trần Ngọc Thành - thành viên HTX Rau an toàn Phước Hòa, chia sẻ khi tham gia vào Liên hiệp HTX, các thành viên và hộ liên kết không còn những nỗi lo về việc “được mùa mất giá”, “được mùa dội chợ”, giá cả ổn định, lợi nhuận theo đó cũng gia tăng.
Việc trồng rau theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, có nhà màng bảo vệ nên các loại rau ít bị sâu bệnh và ảnh hưởng của khí hậu thời tiết, cũng giúp thành viên HTX giảm thiểu chi phí sản xuất, gia tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm.
“Bên cạnh giá trị về kinh tế, việc được hỗ trợ về vốn và kỹ thuật để chuyển đổi từ canh tác theo kiểu truyền thống sang chuyên canh giúp chúng tôi nâng cao điều kiện làm việc, đảm bảo quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm”, anh Thành nói.
Theo khảo sát, 100% thành viên, người lao động trong Liên hiệp HTX khi tham gia vào các công đoạn tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe như phun tưới nước, vận hành máy, sử dụng điện, vận chuyển… đều có trang bị đồ bảo hộ như ủng, găng tay, khẩu trang để đảm bảo ATLĐ, nâng cao hiệu quả công việc.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng được tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh thực phẩm, môi trường, ATLĐ. Các hành vi vi phạm bị xử phạt năng, đảm bảo tính răn đe, theo đó, ý thức về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm của thành viên, người lao động trong Liên hiệp HTX ngày càng cao.
Hàng tháng, Liên hiệp HTX cử cán bộ xuống từng hộ thành viên để kiểm tra tình hình sản xuất và thông báo về những đơn đặt hàng mà Liên hiệp đã ký được, đồng thời triển khai kế hoạch sản xuất vụ rau kế tiếp nhằm bảo đảm đủ số lượng cung ứng.
Nguyên Hưng