Hai năm qua, HTX Lâm nghiệp Hiệp Thuận phối hợp với công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam, Tổ chức Agriterra và Công ty CP Gỗ Công nghiệp Quảng Nam đã triển khai trồng rừng gỗ lớn
![]() |
Mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn gắn với xây dựng chứng chỉ FSC tại HTX nông nghiệp Hiệp Thuận (Ảnh: TL) |
Sản xuất theo chuỗi giá trị
HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận được thành lập từ tháng 3/2017 dựa trên đề án xây dựng phát triển rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC của tỉnh Quảng Nam, được tổ chức FSC cấp chứng nhận quản lý rừng.
Sau hơn 1 năm, HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận đã huy động được 15 thành viên tham gia với tổng diện tích rừng khoảng 200ha (trong đó, có hơn 100ha được cấp chứng nhận FSC). Bên cạnh đó, HTX còn sản xuất theo chuỗi giá trị từ cung cấp giống, quản lý, chăm sóc, khai thác đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả.
![]() |
HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận đầu tư máy móc chế biến sản phẩm từ gỗ trồng (Ảnh: TL) |
Theo đó, HTX đã đầu tư vườn ươm giống 600m2 cùng 4 máy xẻ công nghiệp với gần 10 lao động làm việc thường xuyên. Ngoài việc hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho xã viên, HTX còn cam kết tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn 20% giá thị trường cho bà con nông dân tham gia trồng rừng gỗ.
Ngoài diện tích rừng của các thành viên trong HTX, đã có 123 hộ dân ở trong và ngoài xã với khoảng 750ha diện tích rừng đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với HTX. Qua đó, những thành viên, những hộ dân đã ký kết hợp đồng HTX không chỉ được bao tiêu sản phẩm mà còn có chính sách ưu đãi hỗ trợ 30% giá trị rừng cho các hộ dân để giữ và kéo dài thời gian trồng rừng nhằm đảm bảo chất lượng gỗ khi khai thác.
“Hiện, giá bán keo dăm trên thị trường dao động khoảng 800.000 đồng/tấn nhưng HTX Hiệp Thuận thu mua cho bà con từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/tấn gỗ keo. Từ đầu năm đến nay, HTX đã thu mua hơn 1.000 tấn gỗ keo với trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng của xã viên và người dân trong và ngoài địa phương” - ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận cho biết.
Cũng theo ông Dương, trồng rừng gỗ lâu năm có giá trị và hiệu quả hơn rất nhiều so với trồng gỗ ngắn ngày là nhờ bán được giá cao và ít tốn chi phí chăm sóc, thu hoạch. Một héc ta rừng keo gỗ khoảng 7 năm cho thu hoạch khoảng 180 tấn và nếu được chăm sóc, đất tốt có thể đạt 250 tấn/ha.
Sau khi trừ chi phí, mỗi héc ta rừng thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Bên cạnh đó, trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC còn mang lại những lợi ích về môi trường bởi rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC là người dân không được phá rừng, không đốt rừng khi trồng mới.
Có thể nói, sản xuất the hướng lâm nghiệp của HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận đối với miền núi, trung du là rất phù hợp. Qua đó khai thác được tiềm năng và kết nối được hộ gia đình tham gia cũng như hỗ trợ cho bà con quanh vùng chuyển đổi dần qua cây gỗ lâu năm, góp phần ổn định đời sống người dân.
Dự án bảo tồn rừng
Quảng Nam là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển lâm nghiệp, là cơ sở cung cấp nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến gỗ…Vì vậy, mô hình hợp tác giữa HTX với các tổ chức, doanh nghiệp để phát triển trồng rừng bền vững giống như mô hình HTX Lâm nghiệp Hiệp Thuận đang được khuyến khích.
Theo báo cáo, Quảng Nam có 769.989 ha đất lâm nghiệp, chiếm 72,8% diện tích tự nhiên, diện tích đất có rừng là 680.602ha. Hiện, toàn tỉnh có 216.292ha rừng trồng, trong đó có 157.301ha rừng trồng sản xuất (SX) và diện tích đất trống được qui hoạch là 44.774ha.
Bình quân diện tích trồng rừng SX hàng năm khoảng 13.000ha, chủ yếu trồng lại sau khai thác, loài cây chủ yếu là cây keo được trồng lấy gỗ dăm làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp SX giấy với chu kỳ khoảng từ 4 - 5 năm.
Nhằm xây dựng kế hoạch và hỗ trợ nhiều địa phương trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng bền vững đạt chuẩn FSC, dự án Trường Sơn Xanh đã hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị rừng gỗ lớn, từ đầu tư vườn ươm nuôi cấy mô đến sản phẩm hoàn thiện cuối cùng phân phối đến tay người tiêu dùng.
Hai năm qua, Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam, HTX Lâm nghiệp Hiệp Thuận, Tổ chức Agriterra và Công ty CP Gỗ Công nghiệp Quảng Nam đã triển khai trồng rừng gỗ lớn.
Theo dự án Trường Sơn Xanh, đến năm 2020, tổng diện tích rừng gỗ lớn hướng đến quản lý bền vững theo tiêu chuẩn FSC sẽ đạt 4.560ha, trong đó rừng trồng mới là 2.760ha và rừng chuyển đổi sang rừng gỗ lớn là 1.800ha.
Do đó, để mở rộng diện tích theo kế hoạch, doanh nghiệp cần liên kết với người dân để trồng rừng và chuyển hóa rừng.
Bên cạnh đó, dự án Trường Sơn Xanh cũng đã giúp các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nông Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My và Núi Thành tiếp cận được phương án quản lý rừng hiện đại để bảo tồn đa dạng hệ sinh thái rừng nhằm tạo sinh kế, nâng cao đời sống người dân.
Nhật Nam