Với hơn 700 ha trồng chè Shan tuyết, sản lượng chè búp tươi đạt trên 2,3 nghìn tấn/năm, xã Thông Nguyên quyết định chọn cây chè là sản phẩm đặc trưng của địa phương nhằm thúc đẩy sản xuất an toàn, tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.
HTX là đầu tàu
Để dẫn dắt người dân sản xuất an toàn, nâng cao sức cạnh tranh, HTX chè Phìn Hồ được thành lập. Sau gần 10 năm hoạt động, thương hiệu Fìn Hồ Trà ngày càng được khẳng định, doanh thu của HTX hiện đạt 15 tỷ/năm.
Hoạt động hiệu quả của HTX chè Phìn Hồ giúp đời sống của người dân vùng chè xã Thông Nguyên được nâng lên. Bình quân mỗi ha chè cho thu nhập 35 - 37 triệu đồng, thu nhập của người lao động đạt 5 - 15 triệu đồng/ người/tháng.
Đại diện UBND xã Thông Nguyên khẳng định việc lựa chọn chè Shan tuyết là sản phẩm chủ lực, với sự dẫn dắt của HTX, đang giúp người dân địa phương ổn định sản xuất, phát triển sản xuất an toàn, nâng cao thu nhập và tránh được tình trạng được mùa mất giá.
Thành lập từ tháng 12/2013, gồm 20 thành viên chính thức, HTX thương mại, dịch vụ và chế biến nông, lâm sản Hoàng Su Phì (xã Tân Tiến) cũng đang là điển hình trong thực hiện OCOP trên địa bàn huyện, với các sản phẩm đặc trưng như củ cải sấy khô, mật ong hốc, chè Shan Tuyết…
Nhờ sản xuất an toàn, hiệu quả, từ năm 2014 đến nay, bình quân mỗi năm, HTX đã chế biến được 300 - 400 tấn củ cải tươi, sản lượng củ cải khô (đã qua chế biến) đạt 15 - 20 tấn. Mỗi năm, HTX cũng sản xuất trên 10.000 bịch nấm bào ngư, các sản phẩm được bao tiêu, với giá bán 50.000 đồng/kg.
Ông Triệu Sơn An - Phú Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, cho biết: “Để phát triển OCOP giai đoạn 2018 - 2020, định hướng 2030, huyện chủ động xây dựng sản phẩm đặc trưng theo 2 tiêu chí là lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và sản phẩm phải có tính bền vững”.
OCOP không chỉ hướng đến lợi ích về kinh tế, mà còn nhằm thay đổi tư duy sản xuất của người. Vì vậy, Hoàng Su Phì dự kiến tiếp tục thúc đẩy các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả chương trình OCOP, hướng đến phát triển kinh tế nông thôn bền vững, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
![]() |
Hoàng Su Phì đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thế mạnh |
Tạo chuyển biến trong NTM
Đơn cử, tại xã Thông Nguyên, sự đóng góp của những HTX điểm như HTX chè Phìn Hồ, giúp xã trở thành địa phương đầu tiên của huyện Hoàng Su Phì được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2015.
Sau gần 5 năm về đích NTM, thu nhập bình quân của người dân xã Thông Nguyên năm 2019 đạt hơn 30 triệu đồng/người, cao gấp 3 lần so với năm 2010. Hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được xây dựng mới, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Thông Nguyên cũng đang là trung tâm du lịch của huyện...
Trên quy mô toàn huyện, Hoàng Su Phì đã có 2 xã về đích NTM, các xã còn lại đạt 6 - 15 tiêu chí. Năm 2019, huyện chọn là năm đột phá trong xây dựng NTM, mỗi xã ít nhất phải hoàn thành 2 tiêu chí, tạo tiền đề để đến năm 2020 huyện có thêm 2 xã đạt chuẩn.
Để đạt mục tiêu, huyện sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân; phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2019 lên 22,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 6%...
Nhật Minh