HTX nuôi hàu lồng Đất Mũi được thành lập năm 2007 với 5 thành viên và vài chục lồng nuôi hàu. Đến nay, HTX đã thu hút được 33 thành viên, số lồng hàu đã tăng lên gần 1.000 lồng.
Hoạt động của HTX không chỉ mang lại thu nhập cho thành viên mà còn giải quyết việc làm cho 20 - 30 lao động, với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng khi vào vụ.
Phát triển hiệu quả
Nhờ chăm sóc khoa học, hàu của HTX đạt năng suất cao và có đầu ra ổn định. HTX có thể thu về hàng tỷ đồng mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí.
Ông Nguyễn Văn Hôn - Giám đốc HTX, chia sẻ: “Khi mới thành lập, HTX chưa nuôi nhiều bởi nguồn vốn hạn hẹp và lo lắng đầu ra. Sau khi tích góp được vốn, từ năm 2015, HTX quyết định mở rộng mô hình sản xuất”.
Mỗi năm, HTX nuôi 3 - 4 vụ hàu theo hình thức nuôi hàu giống và hàu thương phẩm trong lồng. So với nuôi hàu bằng giàn, bè thì nuôi hàu lồng là phương pháp có chi phí đầu tư cao nhất, nhưng tốc độ tăng trưởng của hàu nhanh, cho năng suất cao hơn.
Hàu sống chủ yếu nhờ vào nguồn rong, tảo, mùn bã hữu cơ có sẵn trong nước biển nên HTX không phải tốn chi phí thức ăn. Đặc biệt, điều kiện tự nhiên, mực nước thủy triều lên xuống ở đây rất thích hợp cho hàu phát triển, tăng trưởng nhanh.
Hàu sống phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, không cần sử dụng các loại hóa chất, do đó bảo đảm nguồn sản phẩm sạch cho thị trường cũng như môi trường nước để phát triển lâu dài.
Hàu của HTX được đánh giá cao về chất lượng, trọng lượng đạt trung bình 15 - 17 con/ kg. Mỗi ngày, HTX tiêu thụ trong và ngoài tỉnh khoảng 1,5 - 2 tấn. HTX cũng đứng ra bao tiêu, tìm đầu ra ổn định cho các thành viên.
Để tránh tình trạng “dội chợ”, HTX đã lập các căn chòi trên sông, thực hiện trưng bày, quảng bá sản phẩm vừa để thu hút du khách, vừa giúp rộng đầu ra cho con hàu. Mô hình này của HTX đã thu hút được rất nhiều khách du lịch đến tham quan, thưởng thức và mua hàu.
![]() |
Hệ thống lồng nuôi hàu của HTX |
Tái tạo môi trường
Để giảm thiểu rủi ro từ dịch bệnh, HTX thường tiến hành kiểm tra nguồn nước và vệ sinh 1 lần/ tháng bằng cách dùng bàn cọ rửa hàu và lồng nuôi để loại bỏ các chất bẩn, rong và sinh vật.
HTX cũng thường xuyên bắt ốc, nhất là những ổ ốc bươu vàng để hạn chế loài vật tiêu diệt hàu. Sau khi nuôi khoảng 4 - 5 tháng, HTX tiến hành thu tỉa bớt những con hàu lớn nhằm giảm mật độ nuôi để hàu sinh trưởng nhanh.
Theo anh Phạm Thanh Trí - thành viên HTX, các thành viên đều chú ý mật độ bám và vị trí bám của hàu trên lồng nuôi. Nếu hàu bám nhiều ở tầng trên lồng chứng tỏ nền đáy có vấn đề, như: pH thấp hoặc bùn đáy quá dày, rong bám nhiều, đáy có nhiều khí độc. Khi đó, cần làm vệ sinh nền đáy, điều chỉnh vị trí đặt lồng…
Với những biện pháp trên, quy trình nuôi hàu của HTX được đánh giá thân thiện với môi trường. Con hàu thích nghi và sinh trưởng tốt ở vùng ngập mặn Cà Mau, từ đó giúp tăng nguồn lợi thủy sản vì thời gian qua, người dân đã khai thác bằng nhiều hình thức tận diệt nên nguồn lợi thủy sản bị giảm đáng kể.
Mặt khác, hàu không sử dụng thức ăn công nghiệp mà lấy thức ăn bằng cách lọc các chất dinh dưỡng có trong nước (thường là thức ăn thừa của tôm, cá). Vì vậy, quá trình lấy thức ăn của hàu góp phần làm cho môi trường nước trong sạch, tạo điều kiện cho các sinh vật khác phát triển.
“Nhiều người thường gọi hàu là vật nuôi tái tạo môi trường, vì đã góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước tại địa phương. Chính vì vậy, việc nuôi hàu của HTX được người dân ủng hộ”, Giám đốc Nguyễn Văn Hôn nói.
Như Yến