Cam Lâm là một trong những địa phương có ngành chăn nuôi phát triển mạnh của tỉnh Khánh Hòa. Đến nay, huyện đã xây dựng thành công nhiều cơ sở chăn nuôi được đầu tư quy mô theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp, trong đó có nhiều HTX chăn nuôi lớn mạnh.
Điểm tựa vững chắc từ HTX
Hiệu quả của phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đang giúp HTX nuôi gà Cam Thành Nam, xã Cam Hải Đông, khẳng định vị thế vững chắc, trở thành điểm tựa phát triển chăn nuôi sạch, hiệu quả cho thành viên.
![]() |
Các HTX đang phát huy hiệu quả trong chăn nuôi an toàn sinh học (Ảnh TL) |
Sau hơn 3 năm hoạt động, quy mô chăn nuôi của mỗi hộ thành viên HTX hiện đạt 1.000 – 1.200 con gà/lứa. Với giá bán phổ biến trong khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg, cứ 1.000 con gà, người nuôi có thể thu về lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng/lứa (bình quân 3 - 4 lứa/năm).
Không chỉ thu được lợi ích lớn về kinh tế, HTX Cam Thành Nam đang tạo ra những giá trị ưu việt về môi trường sinh thái. Trong quá trình sản xuất, các quy định về bảo vệ môi trường luôn được HTX đặc biệt quan tâm.
Đơn cử, hệ thống chuồng trại chăn nuôi của các thành viên HTX được xây dựng khoa học, khu vườn thả gà được thường xuyên xử lý bằng vôi bột, bổ sung các chất vi sinh nhằm tái tạo nguồn đất tự nhiên, giảm thiểu ô nhiễm.
Nguồn chất thải chăn nuôi được thành viên HTX xử lý vi sinh hoặc ủ hoai để phục vụ chăm bón cây trồng, rau màu, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa giảm thiểu chi phí trồng trọt, mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ.
Một điển hình không thể không nhắc tới trong khu vực kinh tế hợp tác ở huyện Cam Lâm là HTX nuôi gà Phát Tài, xã Cam Hiệp Bắc. Ra đời từ năm 2013, với tiền thân là một tổ hợp tác, đến nay HTX đang hoạt động hiệu quả nhờ chăn nuôi theo quy trình khép kín.
Nhờ trang thiết bị hiện đại, HTX nâng cao được khả năng phòng bệnh của đàn gà. Nhiệt độ trong chuồng nuôi luôn duy trì ở khoảng 26-28 độ C, giúp giảm các tác động tiêu cực từ môi trường, thời tiết bên ngoài.
Đại diện HTX Phát Tài cho hay, gà nuôi theo quy trình khép kín sẽ giảm thiểu những rủi ro, cách ly với nguồn bệnh dịch. HTX cũng lựa chọn đệm lót sinh học để tiết kiệm thời gian, chi phí, giải quyết được khó khăn trong vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi.
Hướng đi bền vững
Ông Nguyễn Ngọc Quý - Chủ tịch HĐQT HTX Phát Tài, khẳng định chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là xu hướng tất yếu, mang lại giá trị bền vững cho người chăn nuôi trong bối cảnh toàn cầu hóa, các loại thịt ngoại nhập ngày càng nhiều.
![]() |
Chăn nuôi an toàn sinh học cần được đẩy mạnh để tạo giá trị bền vững (Ảnh TL) |
Không chỉ giúp các hộ chăn nuôi nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm, việc chăn nuôi sinh học còn giúp giảm chi phí đầu vào, từ đó có sự cạnh tranh tốt hơn về giá bán, thu hút người tiêu dùng.
Đơn cử, việc sử dụng đệm lót sinh học đang giúp thành viên HTX Phát Tài giảm được 60% công sức lao động và 90% chi phí điện nước rửa chuồng trại. Điều này giúp thành viên HTX thu về lợi nhuận cao hơn dù giá bán chỉ ngang với các hộ nuôi nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống.
Hiệu quả của các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đang chứng minh các chính sách hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện Cam Lâm đi đúng hướng.
Đại diện UBND huyện Cam Lâm cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng và mở rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, trong đó nâng cao vai trò của các HTX là mục tiêu quan trọng.
Hưng Nguyên