Xã Phúc Thuận đang là một trong những vùng trồng cây ăn quả trọng điểm tại thị xã Phổ Yên. Những năm qua, để nâng cao hiệu quả mô hình, xã tích cực hỗ trợ các hộ nông dân phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường, nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, chinh phục thị trường.
Thay đổi tư duy sản xuất
Xuất phát từ điều kiện thực tiễn của địa phương với trên 60% số lao động tham gia sản xuất nông nghiệp, xã Phúc Thuận xác định việc nâng cao thu nhập cho người nông dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
![]() |
Nhãn chín muộn đang là cây trồng chủ lực của xã Phúc Thuận (Ảnh TL). |
Theo đó, những năm qua, xã đã khuyến khích người dân tích cực, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật về giống, quy trình sản xuất, quản lý dịch bệnh, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường…
Trong số nhiều mô hình nông nghiệp được đầu tư trên địa bàn xã, mô hình trồng cây ăn quả đang cho thấy tiềm năng lớn với giá trị kinh tế cao.
Ông Hoàng Văn Tuấn, xã Phúc Thuận cho hay, gia đình ông phát triển mô hình trồng cây ăn quả từ năm 2008, với nhãn là cây trồng chủ lực. Hiện, gần 2ha trồng cây vẫn phát triển ổn định, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Theo ông Tuấn, để đảm bảo giá trị lâu dài, ông cùng các hộ trồng cây trên địa bàn xã chủ động phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Đơn cử, trong quá trình canh tác, các hộ tuyệt đối không sử dụng hóa chất độc hại, chất kích thích tăng trưởng, thay vào đó là các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện môi trường.
Các hộ cũng được tham gia nhiều khóa tập huấn kỹ thuật do địa phương tổ chức, từ đó nắm vững quy trình sản xuất hữu cơ, biết cách sử dụng thiên địch để tiêu diệt côn trùng gây hại, áp dụng phương thức phòng trừ dịch hại IPM.
“Việc áp dụng sản xuất hữu cơ giúp chúng tôi giảm 20 - 35% chi phí đầu vào, đặc biệt là các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Năng suất, chất lượng sản phẩm tăng cũng giúp thị trường và giá bán ổn định hơn”, ông Tuấn hồ hởi nói.
Liên kết nâng cao giá trị
Đại diện UBND xã Phúc Thuận cho biết để có được những thành công trên, những năm qua xã đã tích cực phối hợp với các ban ngành huyện, HTX để tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân.
![]() |
Bên cạnh cây nhãn, các loại cây trồng thế mạnh khác cũng sẽ được xã chú trọng phát triển (Ảnh TL). |
Đặc biệt, xã tạo cơ chế khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX, nhóm hộ liên kết nhằm nâng cao nội lực sản xuất cho các hộ trồng trọt.
Điển hình có thể kể đến HTX Phúc Hưng, đến nay có 10 thành viên tham gia trồng trên 15ha nhãn, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động địa phương.
Nhờ sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường, bình quân mỗi ha nhãn của HTX cho thu hoạch 1,5 - 2 tấn quả. Với giá bán dao động 20.000 - 30.000 đồng/kg tùy từng loại, sau khi trừ chi phí, 15ha nhãn cho thu lãi hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.
Song song với hiệu quả kinh tế, yếu tố môi trường cũng được các thành viên HTX đặc biệt quan tâm và tuân thủ nghiêm ngặt quy định.
Theo quy trình VietGAP, HTX hướng dẫn thành viên sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép, hoặc thành viên tự chế thuốc phòng, chống sâu bệnh từ ớt, tỏi, riềng xay…
Rõ ràng, mô hình trồng cây ăn quả, đặc biệt là nhãn chín muộn đã trở thành sản phẩm chủ lực mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân xã Phúc Thuận.
Trong thời gian tới, để vùng nhãn phát triển theo hướng bền vững, xã dự kiến tiếp tục định hướng, hỗ trợ người dân hoàn thiện sản xuất theo hướng an toàn sinh học, đồng thời mở rộng diện tích nhằm nâng cao thu nhập.
Mặt khác, xã cũng sẽ tích cực xúc tiến và xây dựng hình thức quảng bá thương hiệu giúp bà con tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện để tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm, mở rộng thị trường…
Nhật Minh