Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết: “NTM đã giúp cho Thăng Bình “thay da đổi thịt”. Đến nay, toàn huyện đã có 7/21 xã đạt 19/19 tiêu chí. Tổng số tiêu chí đạt của các xã trên địa bàn huyện là 315, bình quân số tiêu chí NTM mà 21 xã đã đạt là 15,71 (tăng 1,61 tiêu chí/xã so với năm 2016”.
Có được thành quả như vậy nhờ huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động với hình thức đa dạng, phong phú theo chuyên đề chuyên sâu hơn. Nhiều phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây NTM, đô thị văn minh”, “Dân vận khéo”, “Chung sức xây dựng NTM”, “ Nhà sạch, vườn đẹp”… được đẩy mạnh.
Để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, ngoài việc chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, thời gian qua, huyện Thăng Bình cũng đã tập trung đầu tư hạ tầng nông nghiệp, ưu tiên phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tạo đột phá trong phát triển ngành nông nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có rất nhiều mô hình sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, như mô hình sản xuất lúa giống, trồng và tiêu thụ gỗ dăm, trồng lạc ở HTX nông nghiệp Bình Đào, HTX nông nghiệp Bình Nam, HTX nông nghiệp Bình Định Nam, HTX rau an toàn Mỹ Hưng...
![]() |
Các HTX nông nghiệp có đóng góp tích cực vào xây dựng NTM ở Thăng Bình |
HTX nông nghiệp Bình Nam thành lập từ năm 2016 đang phát huy vai trò “bà đỡ” cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Ngay từ khi thành lập, HTX đứng ra tập trung ruộng đất, phát triển cánh đồng mẫu lớn, hình thành sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả cao cho người dân.
Cùng với hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình sản xuất, HTX Bình Nam còn mạnh dạn đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. HTX cũng đứng ra ký hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp để cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm cho thành viên, nông dân liên kết.
HTX rau an toàn Mỹ Hưng (xã Bình Chiều) đang thu được nhiều kết quả tốt từ sau chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Ngoài 23 thành viên, HTX Mỹ Hưng còn có 43 hộ vệ tinh. Các hộ này đều sản xuất rau sạch theo chuẩn VietGAP và nằm trong kế hoạch bao tiêu sản phẩm của HTX.
HTX Mỹ Hưng cũng xây dựng được chuỗi giá trị khép kín cung cấp các loại rau củ quả ra thị trường tại Tp.Đà Nẵng và Tp.Tam Kỳ. Ngoài ra, sản phẩm của HTX cũng được cung cấp cho 11 điểm bán rau sạch, hệ thống siêu thị Co.opMart, khách sạn Mường Thanh, các siêu thị nhỏ và bếp ăn tập thể…
Những năm qua, lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và làng nghề ở Thăng Bình cũng không ngừng phát triển, đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng NTM. Toàn huyện hiện có trên 1.400 cơ sở sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 3.600 lao động; nhiều làng nghề hình thành như: làng rau an toàn Mỹ Hưng, làng nghề chế biến nước mắm Cửa Khe, làng nghề hương Hà Lam...
Theo ông Khiết, sự hiệu quả của các mô hình sản xuất điểm đã giúp thu nhập của người dân không ngừng tăng lên và đời sống ngày càng nâng cao. Các chính sách giảm nghèo hiệu quả nên tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hàng năm đều giảm. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo còn 7,37%, đến năm 2017 giảm xuống xuống còn 6,24%.
Mạnh Hạo