Trong xây dựng HTX nông nghiệp, vai trò của HTX và tổ hợp tác rất quan trọng để tạo ra những sản phẩm có giá trị đủ sức cạnh tranh trên thị trường và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung
Bà con người dân tộc Vân Kiều ở Hướng Phùng đã trồng cà phê Arabica từ lâu, trồng cà phê mà không có thuốc hóa học, chỉ dùng phân hữu cơ. Đến mùa, họ hái trái chín để bán cho thương lái. Tuy là cà phê sạch, cà phê ngon với chất lượng tốt nhưng vẫn bị ép giá. Ở vùng núi xa xôi, hái rồi thì phải bán vì cà phê không để lâu được.
![]() |
Vườn giống cà phê của HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa |
Tháng 3/2018, HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa được thành lập, trong 11 thành viên thì có đến 10 người là đồng bào dân tộc thiểu số. HTX quản lý 70 ha cà phê, trong đó có 35 ha cà phê sản xuất hữu cơ. Tuy mới thành lập, địa bàn hoạt động ở một xã vùng biên giới, thành viên chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng HXT Chân Mây Bắc Hướng Hóa đã khẳng định được vị thế của một HTX kiểu mới.
HXT Chân Mây Bắc Hướng Hóa là một trong rất ít HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hoàn thành chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Bên cạnh đó, thành viên HTX mà chủ yếu là đồng bào dân thiểu số đã biết cách trồng, chăm sóc, thu hoạch cây cà phê theo đúng tiêu chuẩn doanh nghiệp yêu cầu để có thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn gấp đôi thị trường và ổn định từ đầu đến cuối vụ.
Có được hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ đầu đến cuối vụ cho các thành viên với mức giá ổn định 10.000 đồng/kg, trong khi giá sản phẩm quả cà phê tươi trong vùng chỉ ở mức 4.000 đồng/kg, lại còn bấp bênh phụ thuộc thương lái là sự một trong những lợi ích thiết thực nhất mà HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa đã mang về cho thành viên.
Ông Lê Đình Phức, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa chia sẻ: Trước khi đảm nhiệm vai trò quản lý HTX, ông từng có thời gian gắn bó với ngành nông nghiệp khi làm việc ở một nông trường cao su ở Đông Nam Bộ. Sau này về Hướng Phùng sinh sống, ông mở công ty kinh doanh dịch vụ xăng dầu và vật liệu xây dựng nhưng vẫn biết cách tận dụng những lợi thế đất đai, khí hậu đặc thù ở vùng đất này, cộng với kinh nghiệm tích lũy được để trồng cây cà phê, cao su.
Gắn bó nhiều với ngành nông nghiệp, lại có tư duy nhanh nhạy theo kiểu kinh tế thị trường của một chủ doanh nghiệp tư nhân nên khi bắt tay vào quản lý HTX, ông Phức đã có cách nghĩ và làm rất thực tế. Ông nhận thấy làm nông nghiệp nếu chỉ sản xuất theo kiểu manh mún, cung cấp nguyên liệu thô ra thị trường thì chỉ có thể lấy công làm lãi.
Từ thực tế sản xuất của người dân địa phương, ông hiểu một trong những nguyên nhân khiến cà phê Hướng Hóa chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường do chưa được sản xuất theo quy trình sạch, vì thế dễ bị ép giá hoặc bán với giá thấp. Mong muốn hỗ trợ người dân làm chủ sản phẩm do mình làm ra để thay đổi cuộc sống khó khăn của chính họ là động lực thôi thúc ông liên kết với những nông dân trong vùng để xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Ông Phức lấy vườn cây của mình ra làm mô hình thí điểm, trình diễn ứng dụng tất cả các tiến bộ khoa học vào canh tác để bà con học tập. “Để thay đổi được thói quen canh tác thì không chỉ hướng dẫn kỹ thuật mà còn phải cho bà con thấy rõ lợi ích của việc thay đổi. Vườn cà phê tôi chăm sóc, thu hoạch đúng quy trình được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn gấp đôi thị trường thì bà con sẽ làm theo thôi”, ông chia sẻ.
![]() |
Giàn phơi tự nhiên ở HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa (Ảnh TL) |
Xây dựng thương hiệu cà phê hữu cơ sinh thái
Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ cho HTX giàn phơi tự nhiên và máy xay xát chế biến cà phê sạch theo hướng hữu cơ góp phần hoàn thiện được các khâu trong sơ chế, chế biến sản phẩm, đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Ông Lê Đình Phức cho biết: “Trước đây khi HTX chưa có giàn phơi sấy và máy xay xát cà phê, chúng tôi chủ yếu thu mua cà phê tươi và nhập cho các thương lái, giá trị kinh tế không cao. Sau khi được đầu tư máy móc, HTX đã tham gia chế biến, đóng gói sản phẩm đạt tiêu chuẩn, giá trị sản xuất được nâng lên rõ rệt”.
Không dừng lại việc xây dựng vùng nguyên liệu cà phê sạch, HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa đang hướng tới việc chế biến sâu sản phẩm cà phê hữu cơ bằng đề án xây dựng một xưởng chế biến theo công nghệ hiện đại cho sản phẩm cà phê mang thương hiệu địa phương bằng ý tưởng cho ra đời một quán cà phê nhỏ ngay tại xã Hướng Phùng với slogan “Cà phê chia sẻ, Cà phê nhân đôi” do chính con em thành viên HTX phục vụ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của HTX vươn ra xa hơn, như mạch ngầm lan tỏa thương hiệu và thị trường cho sản phẩm cà phê Hướng Hóa.
![]() |
Cà phê hữu cơ sinh thái Chân Mây Bắc Hướng Hóa có tem QR code (Nguồn: Internet) |
Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của WordVision (Tổ chức tầm nhìn thế giới), HTX đã có thể tự phơi rồi rang xay đóng gói cà phê mang thương hiệu riêng. Dự án không can thiệp vào đất ở, đất canh tác của người đồng bào, chỉ can thiệp vào quy trình canh tác và áp dụng thêm công nghệ để hỗ trợ họ. Giúp đồng bào bám đất, bám rừng, làm giàu trên chính đất đai, quê hương ngàn đời của họ, bước đầu mang gói cà phê sạch nguyên chất của đồng bào Vân Kiều ra thị trường.
Tất cả câu chuyện của việc hình thành một gói cà phê hữu cơ sinh thái này được kể lại một cách chân thực và tin cậy nhất thông qua việc thực hiện truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin bằng tem QR code trên bao bì sản phẩm.
Hy vọng rằng với những đổi mới hôm nay, gói cà phê của HTX Chân Mây sẽ được đi đến tay người yêu cà phê trên cả nước với những câu chuyện được kể lại qua tem QR.
Ngọc Giang