Là một trong những địa phương chuyên canh về cây lúa nên để người dân bảo đảm được thu nhập từ cây trồng này buộc HTX phải chuyển đổi từ giống lúa chất lượng thấp sang trồng các giống lúa chất lượng cao, có giá trị kinh tế và thích ứng được với biến đổi khí hậu như OM 5451, OM 4900, đài thơm 8…
Kinh tế và môi trường song hành
Rút kinh nghiệm từ các các đợt hạn mặn trước, sau khi kết thúc vụ lúa Đông Xuân HTX khuyến cáo thành viên và nông dân không sản xuất lúa vụ 3 mà thay vào đó là làm lúa 2 vụ, 1 vụ còn lại sẽ trồng màu hoặc các mô hình khác. Vì sản xuất lúa 3 vụ liên tục trong năm sẽ làm cho đất không được nghỉ ngơi để hồi phục, phù sa không vào đồng được làm mất nguồn dinh dưỡng tự nhiên. Chưa kể, nếu trồng lúa 3 vụ/năm kéo dài sẽ khiến đất bị kiệt dinh dưỡng, dịch bệnh lưu hành quanh năm và chi phí sản xuất sẽ tăng lên.
Chính vì vậy, thay vì canh tác tự phát như trước, khi vào HTX, các thành viên thực hiện quy trình sản xuất lúa an toàn trên cánh đồng lớn 50ha. Vốn là người gắn bó với cây lúa lâu năm nên những người đứng đầu HTX nhận thấy rõ tình trạng lạm dụng phân thuốc hóa học trong canh tác thời gian qua. Cũng vì vậy, khi chuyển đổi từ mô hình tổ hợp tác lên HTX, Ban giám đốc đã xác định, phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để nâng cao chất lượng cây trồng và hạn chế ô nhiễm môi trường.
![]() |
Thành viên HTX kiểm tra chất lượng lúa trước khi thu hoạch. |
Theo đó, các thành viên cùng trồng một giống, cùng xuống đồng một thời điểm, cùng áp dụng một quy trình canh tác và sử dụng cùng loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Cái khác cơ bản nhất khi sản xuất lúa an toàn là thành viên chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép hoặc chế phẩm sinh học thay cho phân, thuốc hóa học thường dùng. Nếu trồng lúa có bệnh thì thành viên sẽ tham khảo HTX để xem thuốc nào phù hợp mới được dùng. Lúa đã trổ đòng thì không dùng tới phân thuốc nữa để không nhiễm hóa chất.
Có cơ sở vững chắc nên các thành viên đều có thể khẳng định sản phẩm lúa gạo tại cánh đồng của HTX đều đạt độ an toàn vệ sinh thực phẩm vì áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật do đơn vị bao tiêu đề ra ngay đầu vụ. Làm ra nông sản đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, nên HTX đang hướng đến việc hình thành cả khu vực sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP và GlobalGAP.
Đoàn kết để cùng phát triển
Mô hình sản xuất của HTX Thành Công đã tạo được uy tín với nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phú Hữu. Bằng chứng là rất nhiều nông dân tự nguyện xin vào HTX, bởi họ nhận thấy nếu cứ sản xuất riêng lẻ thì đất đai sẽ ngày càng bị ô nhiễm, việc tiêu thụ lúa sau thu hoạch rất khó khăn.
Một trong những lợi thế của HTX là ngay từ lúc mới đi vào hoạt động, lúa đều được bao tiêu nên nhiều thành viên an tâm, bởi họ tính được lợi nhuận ngay từ khi lúa mới bắt đầu xuống giống. Quan trọng hơn là nhờ sản xuất tập trung, thu nhập của thành viên tăng lên đáng kể vì có đơn vị bao tiêu cung ứng trực tiếp với giá gốc.
![]() |
Thóc được thu mua tại ruộng nên tiết giảm chi phí và công sức cho người dân. |
Ông Phạm Văn Nhỏ, thành viên HTX, cho biết dù bao nhiêu năm gắn bó với cây lúa nhưng chưa bao giờ ông nghĩ đến việc có ngày mình sẽ tính được tiền lãi khi lúa mới gieo sạ. Tuy nhiên, khi HTX Thành công liên kết với doanh nghiệp, thì nay đầu vụ ông có thế nắm được số tiền lãi và chỉ cần tuân thủ nghiêm quy trình đã được đề ra. “Nếu không tham gia HTX chắc tôi vẫn còn long đong tìm kiếm thương lái thu mua lúa sau thu hoạch và chi phí sản xuất luôn ở mức cao”, ông Nhỏ chia sẻ.
Hiện, 1ha lúa, canh tác 2 vụ/năm cho sản lượng khoảng 14 tấn, trừ hết các khoản chi phí, lợi nhuận người dân cầm chắc trong tay không dưới 30 triệu đồng/ha. Đây là điều kiện giúp nông dân cải thiện cuộc sống và tin tưởng vào mô hình kinh tế hợp tác.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, tình hình bao tiêu lúa trên địa bàn huyện thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, nhưng HTX Nông nghiệp Thành Công vẫn duy trì việc liên kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp và tạo động lực để mở rộng chuỗi giá trị và tăng thu nhập cho thành viên. Bởi khi liên kết từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm thì người dân mới tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất, cải thiện thu nhập, góp phần vào thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện.
Như Yến