Ra đời từ năm 2015, HTX Quang Hải đang tạo việc làm và thu nhập cho 33 thành viên và 100 lao động địa phương, trong đó, chủ yếu là chị em phụ nữ.
Hình thành từ địa phương có truyền thống sản xuất nón lá, nhưng nhiều năm liền, nghề làm nón nơi đây chỉ dừng lại ở mức sản xuất thủ công và tiêu thụ qua thương lái hoặc tại các chợ truyền thống. Người dân cũng mua nguyên liệu làm nón đơn lẻ từ các chợ truyền thống, nên khi giá nguyên liệu cao, người làm nón gặp nhiều khó khăn.
Giải quyết đầu vào và đầu ra
Để giải quyết khó khăn, HTX đã đứng ra làm "bà đỡ" cho các thành viên, khi giải quyết vấn đề nguyên liệu đầu vào và đầu ra. HTX đứng ra làm đại lý cấp 1 nhập nguyên liệu cho các hộ thành viên và người dân. Việc này giúp nguyên liệu sản xuất được đồng bộ, không qua trung gian, giá thành rẻ hơn so với các hộ tự mua nguyên liệu.
Để làm tốt khâu đầu ra, HTX làm đơn vị thu mua toàn bộ nón lá dưới dạng bán thành phẩm (làm xong phần chằm nón) sau đó giao cho tổ chuốt nón làm phần còn lại. Nón được thu mua trong vòng 4 - 6 ngày/lần. Giờ đây, mỗi thành viên, hộ sản xuất đều trở thành vệ tinh cung cấp sản phẩm cho HTX.
HTX đã tích cực quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, liên kết với các doanh nghiệp để làm tốt khâu tiêu thụ. Sản phẩm của HTX hiện được tiêu thụ tại Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và xuất khẩu sang Lào, Thái Lan...
HTX cũng phối hợp với các đơn vị mở các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề cho các thành viên và người lao động, đồng thời làm phong phú các mẫu nón để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Để giải quyết những khó khăn về vốn, HTX đã liên kết với Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị tìm những nguồn vốn ưu đãi và được hỗ trợ thủ tục vay vốn. Nhờ đó, những khó khăn trong sản xuất nón lá đã từng bước được tháo gỡ.
Thu nhập của thành viên và người lao động cũng tăng, hiện trung bình thu nhập của các thành viên là 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, HTX sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 500.000 chiếc nón, mang về thu nhập hàng tỷ đồng.
Xây dựng, liên kết các đơn vị, doanh nghiệp đầu mối có vai trò quan trọng trong việc phát triển mặt hàng thủ công mỹ nghệ (TCMN). Không chỉ tạo đầu vào và đầu ra cho các sản phẩm, việc xây dựng doanh nghiệp đầu mối còn thể hiện sự liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng, là đòn bẩy để các sản phẩm của HTX ngày càng phát triển bền vững.
![]() |
Mỗi hộ sản xuất đều trở thành vệ tinh cung cấp sản phẩm cho HTX |
Phát triển bền vững
Để mang lại hiệu quả trong quá trình hoạt động, HTX đã có sự phân công lao động hợp lý, đi vào chuyên môn hóa các công đoạn. HTX chia thành các tổ nhỏ: Tổ trực tiếp khâu nón, tổ chuốt nón, tổ vận chuyển... Sự phân công như vậy đã giúp quá trình làm việc thuận lợi hơn, hiệu quả sản xuất vì thế cũng cao hơn.
Do chưa xây dựng được địa bàn sản xuất tập trung, sản phẩm của HTX được sản xuất tại một số hộ gia đình, nên công tác bảo đảm vệ sinh môi trường cũng được HTX quan tâm. HTX đã xây dựng nội quy về bảo vệ môi trường trong sản xuất.
Các nguyên liệu thừa, phế thải sau khi sản xuất (thùng cattong, giấy...) đều được tập trung lại đem bán phế liệu, còn các loại chất thải khác được phân loại với rác thải sinh hoạt trước khi chứa trong thùng rác có nắp đậy, để hàng ngày đơn vị môi trường đến thu gom.
HTX cũng tăng cường giáo dục ý thức vệ sinh môi trường và vệ sinh y tế cho toàn bộ thành viên và người lao động, đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác giám sát định kỳ về sức khỏe cho thành viên, người lao động để sớm phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị kịp thời và bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
Như Yến