![]() |
Hoạt động của HTX đang góp phần bảo vệ môi trường |
Lâu nay, người dân Việt Nam đều biết các bao xi măng được dùng trong ngành xây dựng nhưng chưa có nhiều người có ý thức tái chế vỏ bao xi măng hoặc biết nhưng hoạt động nhỏ lẻ, gây ô ô nhiễm môi trường. Để hạn chế những khó khăn trên, HTX Phượng Huyền đã tập trung vào tái chế vỏ bao xi măng.
Bảo vệ môi trường
Nhận thấy thị trường xây dựng phát triển kèm theo nguồn vỏ bao xi măng lớn. Tuy nhiên bao bì xi măng là một trong những loại rác thải khó phân hủy, nếu tiêu hủy thì cũng rất tốn kém, còn chôn vùi xuống đất có khi hàng vài chục năm sau vẫn còn nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mạch nước ngầm của người dân.
Từ chỗ tập trung cung ứng vật tư cho ngành xây dựng, HTX chuyển sang mô hình xử lý, tái chế bao bì xi măng. Các loại bao bì xi măng được thu mua từ khắp nơi trên địa bàn các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, tập trung tại kho chứa của HTX. Sau quá trình phân loại, bóc gỡ lớp giấy xi măng và chỉ may bao bì, phần còn lại của bao bì được chuyển đến khu vực đập tách giấy. Khi bóc riêng xong, phần giấy xi măng được sơ chế ép thành từng khối bìa, còn phần vỏ bao được đưa vào máy băm thành các sợi vụn để làm nguyên liệu sản xuất hạt nhựa.
Từ chỗ bị xem là nguồn rác thải, tốn kém chi phí xử lý, sau khi bóc tách ra từng loại riêng biệt, HTX cung ứng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất giấy bìa carton và hạt nhựa trong sản xuất công nghiệp nhẹ, giải quyết đáng kể lượng phế thải xuất hiện ngày càng nhiều tại các công trình xây dựng, ảnh hưởng đến môi trường mỗi năm.
Nếu như trước đây, việc thu mua vỏ bao xi măng chỉ diễn ra theo mô hình hộ gia đình, mặt bằng sản xuất chật hẹp, không đáp ứng về máy móc, công nghệ thì với HTX Phượng Huyền lại khác. Xưởng sản xuất của HTX nằm trên khu đất rộng hơn 1ha, gần sát cánh đồng của thôn Tiền Phong nhưng lại khá tiện vì gần tuyến đường trục chính của xã Tân Phong. Hầu như các hoạt động sản xuất tái chế bao bì của HTX Phượng Huyền đều tách biệt với khu dân cư, với các điều kiện mặt bằng, máy móc sản xuất, xử lý chất thải, nước thải theo quy định nên không ảnh hưởng nhiều đến môi trường.
Ông Lê Văn Phượng, Giám đốc HTX Phượng Huyền, cho biết, HTX đã đầu tư mua sắm thêm hệ thống dây chuyền bóc tách bao bì (máy giặt, máy nghiền, máy ép bìa) và mở rộng thêm 150m2 nhà xưởng, hệ thống bể lắng, rãnh thoát nước thải... Tất cả đều bảo đảm về mặt môi trường trong quá trình hoạt động.
Mong muốn sự chung tay của cộng đồng
Hoạt động sản xuất của HTX dần đi vào ổn định, sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó, nhiều cơ sở sản xuất nhựa tại các tỉnh lân cận tìm đến đặt hàng. Trừ chi phí, trung bình mỗi năm HTX thu lãi 300 - 500 triệu đồng. Số lượng lao động của HTX tăng từ 7 lên 10 người, với mức thu nhập trung bình 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo Ban Giám đốc HTX, theo đầu mối các đơn vị đặt hàng của HTX cho biết, hiện nay, nhu cầu sử dụng các nguyên liệu tái chế từ vỏ bao xi măng rất cao. Nhiều nhà máy tái chế đang khan hiếm nguyên liệu đầu vào. Đây chính là thị trường để HTX đầu tư bài bản cho quá trình sản xuất.
Trong khi đó, việc HTX thu mua vỏ bao xi măng từ các công trình lớn thì dễ dàng hơn nhưng việc thu mua trong nhân dan thì gặp nhiều khó khăn vì ý thức phân loại rác thải của người dân hiện nay còn kém. Nếu nhu cầu thu mua và tái chế vỏ bao xi măng cao thì trên thực tế vỏ bao xi măng vẫn bị vứt bỏ tràn lan, nằm lẫn trong các loại rác thải sinh hoạt khác. Điều đó dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên hữu ích cho sản xuất và đời sống.
“Việc tăng tỉ lệ thu gom, tái chế chất thải nói chung, vỏ bao xi măng nói riêng cần phải được phát triển mạnh hơn nữa”-Giám đốc Lê Văn Phượng chia sẻ. Hy vọng rằng cùng với sự tiên phong của HTX cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền đến người dân trách nhiệm bảo vệ môi trường sống, công tác thu gom vỏ vỏ bao xi măng nói riêng, tái chế rác thải nói chung sẽ được thực hiện rộng khắp hơn nữa trong thời gian tới.
Đây cũng là yêu cầu cần thiết trong giai đoạn phát triển hiện nay, bởi lẽ, tái chế rác thải không những giảm lượng rác thải chôn lấp, bớt gây ô nhiễm môi trường mà còn đem lại giá trị kinh tế cho hoạt động sản xuất, tái chế.
Không những giải quyết việc làm ổn định và tăng thu nhập cho lao động trên địa bàn, mô hình tái chế bao bì xi măng của HTX Phượng Huyền góp phần giảm đáng kể chi phí xử lý chất thải của địa phương, mang lại môi trường trong sạch hơn.
Huyền Trang