HTX Mường Mươn 1 được thành lập từ năm 2015, là tập hợp của hơn 20 hộ chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò). Đến nay, HTX đã có tổng đàn gia súc lên tới 240 con, đem lại giá trị kinh tế lớn, đóng góp quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại địa phương.
Mường Mươn 1 cùng với Púng Giắt 1 đang là hai HTX tiêu biểu của huyện Mường Chà phát triển mô hình chăn nuôi gia súc tập trung. Mô hình HTX góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về sản xuất an toàn, chú trọng an toàn lao động (ATLĐ) và vệ sinh môi trường.
Chăn nuôi tập trung
Gần 3 năm tham gia HTX, anh Choóng Văn Thanh (xã Mường Mươn) chia sẻ: “Trước đây, đàn trâu gần 20 con nhà tôi được nuôi thả rong trên rừng. Không có chuồng trại kiên cố khiến quá trình chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vào mùa đông, đàn trâu hay bị ốm, yếu, sinh trưởng và phát triển chậm”.
Đầu năm 2016, anh Thanh tham gia HTX, phát triển đàn trâu theo hướng tập trung, giúp đàn gia súc phát triển đồng đều, ít bị dịch bệnh và nhân đàn nhanh hơn. Bình quân mỗi năm, anh Thanh xuất bán 3 - 5 con trâu trưởng thành, trừ các khoản chi phí, anh thu về gần 100 triệu đồng/năm.
Một số thành viên HTX cũng đang phát triển mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo. Hình thức vỗ béo có thể nuôi tối đa 3 lứa/năm, nguồn vốn được quay vòng liên tục nên hiệu quả mang lại cao. Mỗi con trâu sau khoảng 3 đến 4 tháng vỗ béo là có thể xuất bán, trừ chi phí, lợi nhuận có thể đạt 1 triệu đồng/con.
Để có được thành công trong những năm qua, HTX đề ra những quy định nghiêm ngặt trong quá trình chăn nuôi. Định kỳ hàng tuần, cán bộ HTX tổ chức đi kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, tổ chức tiêm phòng theo đúng quy định. Có bất kỳ thay đổi nào về số lượng đàn (bán đi hoặc mua vào), các thành viên phải báo cáo đầy đủ với ban quản lý HTX.
Trong quá trình chăm sóc, nguồn thức ăn của trâu, bò cũng được HTX kiểm soát chặt chẽ. Hai loại thức ăn chính được sử dụng là thức ăn tự nhiên (cỏ, lá…) và thức ăn từ cám ngô, cám gạo (thường dùng để vỗ béo); không sử dụng thức ăn thừa của vật nuôi bị ốm; bao bì, dụng cụ đựng thức ăn chăn nuôi được khử trùng định kỳ.
![]() |
HTX đang gặt hái thành công nhờ chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn |
Chú trọng an toàn
Giám đốc HTX - anh Lò Văn Thịnh, cho hay: “Sự ra đời của HTX không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên, người lao động, tạo ra một “sân chơi” chung cho các hộ chăn nuôi trao đổi kinh nghiệm, cùng hợp tác làm ăn, mà còn thay đổi hoàn toàn tư duy sản xuất của người dân trên địa bàn”.
Dưới sự dẫn dắt của HTX, các hộ chăn nuôi dần chuyển từ lối làm ăn cũ, tự cung tự cấp, sang phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn, chú trọng khoa học - kỹ thuật, nâng cao ATLĐ trong quá trình sản xuất, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường sống.
Điển hình như trong xây dựng chuồng trại, khu chăn nuôi của HTX được kiên cố hóa, nằm cách xa khu dân cư, trục đường giao thông chính, có diện tích nước mặt lớn, nguồn nước sạch bảo đảm nhu cầu chăn nuôi và có khu tập trung, xử lý chất thải theo đúng quy định.
Các dãy chuồng nuôi được bố trí khoa học về khoảng cách, kích thước, phương hướng. Nền chuồng bảo đảm không trơn trượt và phải có rãnh thoát nước, độ dốc phù hợp. Đặc biệt, HTX có khu chuồng biệt lập để cách ly vật nuôi bị bệnh, tránh tình trạng lây lan... gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
“Kể từ khi được thành lập, HTX đã chủ động phát triển song hành giữa giá trị kinh tế và bảo đảm sản xuất an toàn, ATLĐ, nhằm đem lại lợi ích toàn diện về kinh tế và đời sống cho thành viên, đồng thời, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. Đây cũng là bí quyết để HTX có được thành công như hiện tại”, Giám đốc Lò Văn Thịnh nhấn mạnh.
Để mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục vận động các thành viên, hộ liên kết tích cực bảo đảm vệ sinh chuồng trại, đầu tư xây dựng thêm hệ thống bể lắng, cống xử lý chất thải, đồng thời, tổ chức thêm các buổi tập huấn nâng cao kỹ thuật, trang bị kiến thức về ATLĐ cho người chăn nuôi.
Hưng Nguyên