Hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, đến nay, Khiên Giang có 11 thành viên phát triển chăn nuôi lợn thịt thương phẩm và cung cấp giống lợn cho thị trường.
Diện tích sản xuất của HTX là 1,5 ha, gồm hệ thống chuồng trại, nhà kho chứa thức ăn gia súc... Quy mô tổng đàn lợn của HTX ở mức 700 - 800 con, trong đó khoảng 150 lợn nái, còn lại là lợn thương phẩm và lợn con.
Gỡ “nút thắt” môi trường
Xây dựng mô hình sản xuất trên địa bàn có truyền thống về chăn nuôi, HTX Khiên Giang nhận thấy để làm tốt vấn đề bấp bênh, lên xuống thất thường của thị trường thì chỉ có chăn nuôi khoa học mới làm được.
Với nguồn vón góp của các thành viên cộng thêm nguồn vốn vay ngân hàng, HTX đã đầu tư xây hệ thống chuồng trại bài bản. Chuồng nuôi có mái lợp bằng tôn lạnh, có quạt trần làm mát, thông thoáng. Trong không gian chuồng còn được lắp máy nghe nhạc để tăng chất lượng thịt...
Bên cạnh đó, HTX cũng đầu tư xây dựng hầm biogas, đáp ứng quy mô chăn nuôi lớn. Với số lượng đàn lợn 700 - 800 con, lượng chất thải là khá lớn, nếu không xử lí sẽ ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, đặc biệt gây mùi khó chịu.
Ông Vũ Đình Khiên - Giám đốc HTX, cho biết rất nhiều mô hình chăn nuôi sử dụng hầm biogas để giải quyết vấn đề môi trường. Qua thời gian sử dụng cho thấy mô hình này mang lại hiệu quả tốt, rất sạch sẽ, mặc dù lượng chất thải từ chăn nuôi của HTX khá lớn.
Chi phí đầu tư xây hầm biogas khoảng 200 triệu đồng, chất thải được tận dụng thông qua hầm biogas tạo thành khí đốt phục vụ việc sản xuất. Nhờ đó, mỗi tháng, HTX có thể tiết kiệm 50-60 triệu đồng tiền chất đốt và thắp sáng.
Mặt khác, nhờ đầu tư xây hầm biogas mà chuồng trại luôn sạch sẽ, lợn chóng lớn, ít bệnh tật, môi trường sống trong lành, sức khỏe mọi người được nâng cao.
Không chỉ nuôi lợn, HTX còn nuôi thêm 400 con vịt siêu đẻ trứng. Vịt sử dụng một phần cám công nghiệp kết hợp với phụ phẩm từ chất thải chăn nuôi lợn. Dịch thải hay còn gọi là phụ phẩm từ hầm biogas có thể sử dụng làm thức ăn bổ sung cho vịt, giúp đàn vịt có sức đề kháng và tiết kiệm được lượng lớn chi phí thức ăn.
![]() |
HTX đã đầu tư xây hệ thống chuồng trại bài bản |
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Để bảo đảm chất lượng nguồn thức ăn, HTX đã chọn các nhà phân phối thức ăn uy tín để cộng tác lâu dài. HTX cũng thuê riêng một cán bộ kỹ thuật chăn nuôi với mức lương 8 triệu đồng/ tháng để làm nhiệm vụ theo dõi và chăm sóc đàn lợn; đồng thời, thuê 6 lao động làm việc tại chỗ với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Ông Vũ Đình Chốp - cán bộ thú y của HTX, cho biết: Nhờ bảo đảm quy trình kỹ thuật, lựa chọn con giống chất lượng và chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ nên vấn đề phòng chống dịch bệnh được thực hiện tốt. Đây chính là yếu tố dẫn đến thành công của HTX hiện nay.
Ngoài ra, HTX còn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá ổn định, nhằm giúp các thành viên yên tâm sản xuất. Nhờ đó, thu nhập và đời sống của các thành viên ngày càng ổn định.
Từ những lợi ích thiết thực mà ngày càng nhiều người chăn nuôi trên địa bàn xã cũng như những xã lân cận tự nguyện xin tham gia vào HTX. Từ chỗ chỉ có 7 thành viên tham gia, đến nay, HTX đã có 11 thành viên chính thức và 20 thành viên liên kết.
Đánh giá về hoạt động của HTX, ông Dương Văn Huấn - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn, khẳng định: Là một trong những HTX kiểu mới hoạt động thành công của tỉnh, Khiên Giang đã đảm nhiệm được chức năng là “cầu nối” của thành viên với các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó bảo vệ quyền lợi thành viên cũng như tạo thêm giá trị gia tăng và giảm tối đa chi phí các khâu trong chuỗi giá trị.
Hoạt động sản xuất của HTX đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Như Yến