Ra đời từ năm 1960, HTX Đức Lân đang là một trong những đơn vị kinh tế hợp tác lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh. HTX xuất phát điểm với hơn 300 thành viên, đến năm 2016 tăng lên hơn 500 thành viên và người lao động.
Chú trọng sản xuất VietGAP
Ông Tô Như Khoa, Giám đốc HTX Đức Lân cho biết, để phát triển ổn định, năm 2016 đơn vị chuyển sang hoạt động theo Luật HTX 2012, canh tác trên tổng diện tích hơn 90 ha, hình thành liên kết sản xuất lúa hàng hoá nếp cái hoa vàng VietGAP với 3 công ty có văn phòng tại Bắc Ninh.
![]() |
HTX Đức Lân đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cho sản phẩm chất lượng cao (Ảnh TL). |
Để đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, HTX tiến hành khảo sát và cải tạo chất lượng nguồn đất, nguồn nước, khoanh vùng sản xuất tập trung để tiện cho cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Nguồn nước tưới được HTX xây dựng kênh mương riêng, dẫn nước sông Cầu vào.
Tiếp đến, HTX đã tổ chức hàng chục buổi vận động, tập huấn về quy trình sản xuất VietGAP lúa nếp cái hoa vàng cho 100 hộ thành viên. Cánh đồng 50ha (đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP) của HTX được chia thành 17 lô với 10 tổ sản xuất, mỗi tổ 5ha.
Giám đốc Tô Như Khoa cho biết, thời điểm mới bắt đầu sản xuất VietGAP, HTX đã phải rất kỳ công để thay đổi tư duy sản xuất cho thành viên, loại bỏ thói quen lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học gây ô nhiễm môi trường, chú trọng nâng cao chất lượng thay vì chạy theo số lượng.
Sau nhiều năm nỗ lực, hầu hết các thành viên HTX đến nay đã nắm vững quy trình sản xuất VietGAP, ứng dụng thuần thục quy trình phòng trừ sâu bệnh hại IPM (phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp).
Theo đó, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX ưu tiên các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện môi trường, phát triển các loại thiên địch để bảo vệ cây lúa. Các loại hóa chất độc hại được loại bỏ hoàn toàn, rác thải được thu gom, xử lý đúng quy định để hạn chế ô nhiễm…
Đảm bảo thị trường tiêu thụ
Chính việc đảm bảo sản xuất sạch, thân thiện môi trường đã giúp HTX nhanh chóng được cơ quan quản lý công nhận đạt chuẩn VietGAP. Sau khi đạt chuẩn, HTX mạnh dạn tìm kiếm thị trường tiêu thụ tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, hình thành liên kết với nhiều doanh nghiệp.
![]() |
HTX đang hình thành chuỗi sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ (Ảnh TL). |
Việc hình thành chuỗi liên kết giúp HTX đảm bảo việc thu mua sản phẩm cho 100 hộ thành viên trong vùng sản xuất VietGAP, đồng thời giải quyết đầu ra ổn định cho hơn 400 hộ còn lại. Sản phẩm lúa VietGAP được HTX thu mua với giá bình quân 17.000 - 18.000 đồng/kg; ngoài vùng đạt 14.000 - 15.000 đồng/kg, khá cao so với thị trường.
Đại diện HTX cho biết, hiện mỗi năm HTX sản xuất 2 vụ, bình quân đạt 500 tấn thóc/vụ, trong đó có 1/3 sản phẩm xuất khẩu. Còn lại, HTX bán cho các siêu thị, khu công nghiệp, hoặc tiêu thụ ở các địa phương như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nội…
“Hiện, Đức Lân liên kết với 3 công ty có văn phòng tại Bắc Ninh, chủ yếu xuất khẩu gạo sang châu Âu, châu Phi và châu Á. Các doanh nghiệp hỗ trợ phân bón, giống, bà con chỉ việc canh tác, thu hoạch. Vào lúc cao điểm, HTX giải quyết việc làm cho trên 700 lao động, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng”, Giám đốc Tô Như Khoa chia sẻ.
Trong thời gian tới, HTX đặt mục tiêu hoàn thiện 100% diện tích đạt chuẩn VietGAP, tiếp tục mở rộng liên kết chuỗi với doanh nghiệp, đảm bảo thị trường, nâng cao thu nhập cho thành viên, hộ liên kết.
Để hoàn thành mục tiêu, HTX chủ động tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ nhân lực, đồng thời tận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ từ địa phương cho phát triển bền vững.
Nhật Minh