Chuyển đổi theo Luật HTX 2012 từ tháng 6/2014, bên cạnh việc thực hiện tốt các dịch vụ truyền thống là dịch vụ nông nghiệp và thủy lợi, HTX đang triển khai thêm một số dịch vụ mới như: Phát triển mô hình trồng lúa chất lượng cao, trồng bí đỏ, trồng cỏ VA06 phục vụ chăn nuôi bò, cung ứng cây keo giống, tiêu thụ gỗ nguyên liệu…
Phát huy lợi thế
Được thành lập năm 2007, đến nay, HTX Cường Thịnh có 4 đội sản xuất với trên 120 thành viên tham gia, tổng vốn điều lệ 400 triệu đồng. Mục tiêu số một của HTX là bảo đảm thực hiện tốt dịch vụ thủy lợi nội đồng, bám sát khung lịch thời vụ cung ứng kịp thời giống, phân bón phục vụ sản xuất an toàn cho thành viên, người nông dân.
Nằm trên địa bàn xã có thế mạnh về kinh tế đồi rừng (nông lâm nghiệp chiếm hơn 60% tổng giá trị sản xuất), HTX đã tổ chức liên kết các hộ thành viên phát triển mô hình chăn nuôi tập trung, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng giá trị kinh tế cao, vừa mang lại nguồn thu ổn định, vừa đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ).
Để bảo đảm sản xuất an toàn, hiệu quả, HTX chủ động bám sát khung lịch thời vụ để cung ứng kịp thời giống, phân bón phục vụ sản xuất, đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, trang bị kỹ năng vận hành máy móc, kiến thức về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Nhận thấy đất nông nghiệp ở Thạch Kiệt không nhiều lại kém màu mỡ, những diện tích có thể trồng lúa được HTX tận dụng tối đa, hướng dẫn thành viên thâm canh, xen canh, ứng dụng khoa học - công nghệ, sử dụng các loại giống mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, gia tăng hiệu quả. Hàng năm, tỷ lệ lúa lai của xã luôn chiếm khoảng 80% diện tích.
![]() |
HTX đang đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với ATLĐ |
Nâng cao lợi ích
Dưới sự dẫn dắt của HTX, 100% diện tích đất nông nghiệp của thành viên phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, phụ thuộc vào nước trời, chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh luân canh 3 vụ (2 lúa 1 màu).
Bà Đào Thị Hoa - thành viên HTX, chia sẻ: “Có HTX hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc trừ sâu, chúng tôi yên tâm tập trung vào khâu sản xuất, đảm bảo quy trình chuẩn, vừa gia tăng hiệu quả sản xuất, vừa nâng cao ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường”.
“Không chỉ bảo đảm thị trường tiêu thụ, HTX còn tổ chức tư vấn, hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn, từ cách thức ủ mạ, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, thành viên HTX còn được bảo lãnh mua phân bón trả chậm, giảm bớt khó khăn về đầu tư ban đầu”, bà Hoa cho biết thêm.
Nhờ hoạt động hiệu quả, HTX được xã Thạch Kiệt giao quản lý quỹ đất 5%. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX đang đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với ATLĐ, chủ động trong chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, nhằm phát triển sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, ông Hoàng Chiêu Hành - Giám đốc HTX, cho biết: “HTX sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển sản xuất an toàn, thay đổi tư duy cho thành viên, tìm tòi, học hỏi những bước đi, cách làm mới phù hợp hơn với điều kiện địa phương, để không ngừng cải thiện, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho thành viên”.
Hưng Nguyên