Để liên kết các hộ trồng lạc, phát triển sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa, HTX Thổ Bình đã đứng ra tổ chức sản xuất, hỗ trợ các dịch vụ đầu vào, tập huấn khoa học – kỹ thuật, tổ chức bao tiêu sản phẩm cho thành viên, nông dân tại địa phương.
Thổ Bình là xã nằm trong vùng sản xuất lạc theo hướng hàng hóa của huyện Lâm Bình. Những năm qua, cây lạc được đưa vào trồng đại trà thay thế cho những diện tích lúa kém hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống, an toàn lao động (ATLĐ) cho người dân.
Chủ động trong sản xuất
Sự linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 đang là nhân tố quyết định giúp HTX Nông – lâm nghiệp Thổ Bình (Lâm Bình, Tuyên Quang) hóa giải nỗi lo “bình mới rượu cũ”, tạo ra những bước ngoặt trong sản xuất, kinh doanh.
Ông Vi Văn Quận – Giám đốc HTX, chia sẻ: “Trong cơ chế thị trường, việc ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ giống như “tự sát”, vì vậy, ngay sau khi chuyển đổi, HTX đã mạnh dạn đầu tư, phát triển đồng thời các dịch vụ cung cấp nước sạch nông thôn, giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, phân bón…”.
Sự chủ động trong sản xuất, kinh doanh giúp HTX Thổ Bình liên tục gặt hái những thành công. Kể từ năm 2013 đến nay, HTX luôn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Trong hai năm 2017 và 2018, tổng doanh thu của HTX đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Chế biến và tiêu thụ lạc đang là một trong những hoạt động có đóng góp lớn nhất vào doanh thu của HTX. Để nâng cao hiệu quả, HTX đã mạnh dạn đầu tư hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, đồng thời, chú trọng tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể, năm 2017, HTX đầu tư hơn 400 triệu đồng để xây dựng mặt bằng, nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị sơ chế, phương tiện vận chuyển cho người dân tại địa phương và các vùng lân cận. Năm 2018, HTX tiếp tục đầu tư thêm 4 dây chuyền thực hiện công đoạn sấy và sơ chế lạc, với công suất gần 8 tấn lạc khô/mẻ.
![]() |
HTX Thổ Bình chọn hướng đi đúng từ cây lạc |
Tuân thủ nguyên tắc an toàn
Hiện tại, HTX đang là đơn vị bao tiêu chính của người trồng lạc tại hai huyện Lâm Bình và Chiêm Hóa, với sản lượng bình quân 90 – 100 tấn/ vụ, giá bán ổn định ở mức 18 – 20 nghìn đồng/kg. HTX cũng đang thực hiện dịch vụ sấy lạc khô làm giống để cung cấp cho người nông dân trong và ngoài huyện.
Sở hữu 6 sào đất trồng lạc (1 sào = 360m2), ông Đặng Quốc Đam (xã Thổ Bình) chia sẻ: “Liên kết với HTX, chúng tôi được khuyến khích triển khai giống lạc L14, đây là loại có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Nếu tuân thủ đúng quy trình sản xuất an toàn, lạc cho thu nhập gấp 10 lần lúa”.
“Với năng suất bình quân 170 – 180 kg/sào, giá bán ổn định ở mức 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lạc cho lãi ròng khoảng 2 triệu đồng/ sào. Trong khi một sào lúa đầu tư hết khoảng 1,3 triệu đồng, thu về khoảng 1,5 triệu đồng, lãi ròng chỉ trên dưới 200.000 đồng”, ông Đam nhẩm tính.
Hiệu quả kinh tế cao của cây lạc là điểm tựa để HTX đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững cho thành viên, hộ dân liên kết. Kể từ năm 2017, bên cạnh đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất, HTX cũng chú trọng phát triển sản xuất an toàn theo hướng VietGAP.
Cụ thể, các hộ sản xuất bắt buộc phải tuân theo các nguyên tắc an toàn về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Các loại phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học được ưu tiên sử dụng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe, đảm bảo ATLĐ.
Trước mỗi mùa vụ, HTX tổ chức các buổi tập huấn khoa học – kỹ thuật, bổ sung kiến thức về ATLĐ cho các hộ sản xuất, đặc biệt, trong các khâu vận hành máy móc, sử dụng nông cụ, nhằm giảm thiểu các rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người sản xuất.
Sáu Ngạn