Theo một nghiên cứu gần đây tại huyện Kiến Xương, rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lên đến 10 nghìn tấn. Tỷ lệ đốt rơm rạ lên đến gần 60%, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Đó cũng là thách thức không nhỏ đối với vấn đề ô nhiễm không khí.
Dùng rơm để trồng nấm
Tận dụng rơm rạ mà người nông dân bỏ đi, một số thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Định đã nghĩ tới việc biến rơm thành cơ chất để sản xuất nấm sạch. Rơm sau khi thu gom lại sẽ được phơi khô và dùng máy máy đóng thành bánh để tiện cho việc bảo quản. Sau nhiều công đoạn như giũ tơi, khử khuẩn… rơm sẽ đạt tiêu chuẩn để cấy nấm. Như vậy, bài toán về tận dụng phế phụ phẩm từ rơm sau mỗi vụ mùa thu hoạch đã được giải quyết.
Trồng nấm không phải là hướng đi mới, nhưng với sự hỗ trợ từ các ban ngành, HTX Bình Định đã giúp người dân áp dụng quy trình sản xuất sạch, khoa học.
Theo đó, quy trình sản xuất phải bảo đảm “sạch từ đầu vào cho tới đầu ra”. Ngoài nguồn nguyên liệu chính để trồng nấm rơm, các hộ còn kết hợp nghiền nhỏ rơm và mùn cưa để làm giá thể trồng các loại nấm khác như: nấm hương, bào ngư, mộc nhĩ...
Nước sử dụng để tưới nấm là nước tinh khiết, có thể uống được. Tất cả các nguyên liệu đều được chọn lọc, vệ sinh kỹ càng, không sử dụng thuốc trừ sâu, chất bảo quản hay bị tác động bằng hóa học. Ngoài ra, các hộ trồng nấm phải thường xuyên trông coi để lán trại tuyệt đối không có côn trùng, đồng thời không bị ảnh hưởng bởi tác động từ các yếu tố thời tiết, nhiệt độ...
![]() |
Rơm là nguyên liệu chính tạo thành các giá thể để trồng nấm. |
Chỉ tính riêng trong trồng nấm rơm, với lượng rơm từ một ha trồng lúa có thể làm được 200m mô nấm và sau 25 - 30 ngày có thể thu được 250 - 300 kg nấm tươi. Đặc biệt, nấm vốn là thực phẩm sạch vì nếu dùng hóa chất để phun trong quá trình trồng thì nấm không thể sống được.
Anh Trần Văn Doanh, thành viên HTX, cho biết mỗi năm gia đình anh sản xuất được 10-15 tấn nấm các loại. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nấm của người tiêu dùng là tương đối lớn nên việc sản xuất hiện nay của gia đình chưa đáp ứng được thị trường.
Tuy mang lại giá trị kinh tế nhưng nghề trồng nấm cũng tạo ra một lượng bã thải không nhỏ. Thông thường, người dân chỉ để bã thải nấm hoai mục tự nhiên kéo dài vài tháng đến vài năm sau đó bón trực tiếp cho cây mà không qua xử lý nên hiệu quả thấp. Nếu sản xuất với quy mô lớn, lượng bã thải để tồn đọng quá nhiều gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, thẩm mỹ, cảnh quan nông thôn và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Sau quá trình nghiên cứu và tìm hiểu thực tế, thành viên tận dụng bã thải ủ với chế phẩm vi sinh để làm phân bón hữu cơ. Phương pháp này giúp bà con trồng nấm sử dụng hiệu quả nguồn phế phẩm, đồng thời giảm thiểu được ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Hướng tới mở rộng sản xuất
Khi đi vào trồng nấm, các thành viên tận dụng thời gian rảnh rỗi sau mỗi vụ mùa, tận dụng được lao động nông nhàn và đặc biệt là nghề trồng nấm phù hợp với cả những lao động lớn tuổi. Quy trình sản xuất nấm khép kín được đánh giá là tốn ít vốn đầu tư nhưng mang lại giá trị kinh tế lớn hơn so với trồng lúa.
Theo ban giám đốc HTX, xuất phát từ việc đốt rơm rạ tại địa phương, HTX định hướng người dân sản xuất bền vững, không gây hại đến môi trường. Qua việc mở rộng sang trồng nấm có thể giúp giải quyết bài toán “nông nhàn” do chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm.
![]() |
Rơm được người dân thu gom tập trung để phục vụ trồng nấm. |
Trước đây, khi nghề trồng nấm trên địa bàn chưa phát triển, hầu hết rơm, rạ sau thu hoạch rải rác trên đường làng hoặc đốt gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ ngày các thành viên tham gia trồng nấm, toàn bộ nguồn rơm, rạ trên địa bàn xã Bình Định được thu gom. Ngoài ra, mùn cưa, lõi ngô cũng được tận dụng.
Trước những hiệu quả mà nghề trồng nấm mang lại cùng với cơ chế của tỉnh, HTX Bình Định đầu tư thêm vốn mua máy cuốn rơm, máy nghiền rơm để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình ra toàn xã. Việc này có tác dụng rất lớn với địa phương khi nguồn rơm rạ sau thu hoạch là rất dồi dào, bà con có thể tận dụng làm kinh tế mà không lo xảy ra tình trạng đốt rơm gây ô nhiễm môi trường.
Như Yến