Từ lâu, sản phẩm ớt Ariêu ở huyện miền núi Đông Giang được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến bởi những mùi vị rất riêng của núi rừng. Người dân ở xã Ma Cooih thường tự hào gọi quê hương mình là "thánh địa ớt". Trái ớt Ariêu nhỏ, độ cay nồng vừa phải, rất hấp dẫn người ăn.
Cây "xóa đói giảm nghèo" xây dựng NTM
Vượt qua điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt ở vùng Ariêu- A Sờ (xã Ma Cooih), ớt Ariêu đã mang lại những ưu thế vượt trội hơn so với những giống ớt truyền thống khác như: Hương vị đặc trưng thơm mùi thảo mộc, vị cay vô cùng độc đáo, quả bé tí chỉ một lần cắn nên nhiều người ưa chuộng.
![]() |
Nhờ trồng ớt Ariêu mà cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ma Cooih có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững (Ảnh: TL) |
Từ năm 2014 đến nay, UBND huyện Đông Giang đã ban hành Quyết định số 741 về phát triển cây ớt theo hướng hàng hóa trên địa bàn xã Ma Cooih nhằm phát triển cây ớt Ariêu đồng bộ, hiệu quả, giúp đồng bào dân tộc địa phương thoát nghèo bền vững. Do đó diện tích cây ớt Ariêu không ngừng được mở rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Hồ A Têih (thôn Azal), chủ một hộ tham gia trồng ớt cho biết, trồng ớt Ariêu tốn ít diện tích đất và có thể tận dụng công lao động của gia đình, là loại cây ngắn ngày nhanh cho thu hoạch. Đó là chưa kể kỹ thuật trồng ớt Ariêu khá đơn giản so với các loại cây trồng khác, chỉ cần giữ cho đất luôn tơi xốp, hạn chế cỏ mọc để giúp cây không bị mất dinh dưỡng...
"Nhờ đưa cây ớt đặc sản vào sản xuất mà đời sống của nhiều hộ dân trong xã đã được cải thiện đáng kể. Cây ớt Ariêu thực sự đã đem lại lợi nhuận kinh tế khá cao cho người trồng và đã trở thành cây "xóa đói giảm nghèo" ở địa phương...", anh Têih hồ hởi.
Theo ông Trần Quốc Trí, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Mà Cooih, cho biết, trước đây HTX nông lâm nghiệp Mà Cooih là tổ hợp tác sản xuất ớt ARiêu Đông Giang, gồm 14 thành viên. Từ khi các thành viên tổ hợp tác chuyển đổi một số diện tích trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng ớt thì đời sống người dân cải thiện đáng kể, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
“Từ năm 2015, thấy làm ăn hiệu quả, từ tổ hợp tác các thành viên đã thành lập HTX và lấy tên là HTX nông lâm nghiệp Mà Cooih. Số thành viên hợp tác xã 40 người, trong đó có nhiều hộ tham gia trồng ớt ARiêu. Hiện toàn xã có 16ha ớt và hầu như nhà nào ở xã Mà Cooih cũng trồng ớt…” – ông Trí cho biết thêm.
Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP
Nếu không xảy ra rủi ro thì mỗi héc ta ớt Ariêu có thể cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, ớt thu hoạch đến đâu, HTX Nông lâm nghiệp Ma Cooih giúp bà con thu mua đến đó để chế biến ra sản phẩm ớt muối truyền thống.
![]() |
Đặc sản ớt Ariêu Ma Cooih (Ảnh: TL) |
Hiện nay, ớt Ariêu của HTX Nông lâm nghiệp Ma Cooih canh tác, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thu hút 30 hộ tham gia với tổng diện tích trồng ớt khoảng 10ha trên địa bàn 7 thôn ở xã Ma Cooih.
Theo đó, để hạn chế cây ớt bị mắc các bệnh do côn trùng xâm hại, HTX đã xử lý theo phương pháp thủ công là rửa lá, không sử dụng thuốc trừ sâu và chỉ bón phân chuồng nên rất an toàn. Không chỉ vậy, HTX cũng áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt để tránh lãng phí, tiết kiệm nhân công và khắc phục tình trạng ớt ra trái ít vào mùa nắng nóng.
Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 12 nghìn hũ ớt muối, được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Nam.
Chị Arớt Thị Nhị (đồng bào Cơ Tu ở xã Ma Cooih) chia sẻ: Mấy năm trước, bà con chúng tôi được HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih, UBND xã và huyện Đông Giang hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ớt Ariêu, nhờ đó gia đình tôi có thu nhập thường xuyên.
“Giá ớt Ariêu hiện nay đạt bình quân từ 200.000 – 250.000 đồng/kg. Mặc dù giá bán cao hơn nhiều so với những giống ớt khác nhưng vẫn bán tốt vì ớt ARiêu được trồng sạch, không phun thuốc nên nhiều khách hàng rất ưa chuộng… Với diện tích hơn 1.500m2, mỗi năm gia đình tôi thu lãi hơn 22 triệu đồng”, chị Nhị phấn khởi.
Ông Phan Hữu Thành, Phó chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới huyện Đông Giang cho biết: Hiện, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ vốn xây dựng thương hiệu ớt ARiêu Đông Giang với diện tích trồng ớt hơn 5,2ha, chủ yếu ở các thôn A Bông, A Sờ, Azal… của xã Ma Cooih.
“Mô hình ớt Ariêu Đông Giang ở xã Ma cooih đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so với trồng cây ngô, sắn,…, do đó huyện Đông Giang đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích sang các vùng lân cận như Kà Zăng và phấn đấu đến năm 2020 tăng lên 20ha để góp phần tăng thu nhập cho bà con dân tộc miền núi. Ớt ARiêu đã được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền và sẽ trở thành sản phẩm OCOP của huyện Đông Giang trong những năm tới…” - ông Thành nói.
Nhật Nam