Ông Văn Bá Năm - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết: “Các HTX nông nghiệp này đang có đóng góp tích cực trong dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu, kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng, xử lý rác thải, thủy lợi, điện nông thôn, hạ tầng thương mại nông thôn…”.
Phần lớn HTX đang làm tốt các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên, các hộ dân liên kết, giải phóng sức lao động, tăng năng suất, chất lượng nông sản, phát triển sản xuất an toàn, đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ), nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Có thể kể đến HTX Duy Đại Sơn (xã Duy Tân) được thành lập từ năm 2014. Bên cạnh trực tiếp sản xuất, HTX là “cầu nối” liên kết các tổ hợp tác trong toàn xã. Trong một vòng tròn khép kín, mỗi tổ hợp tác có một nhiệm vụ chuyên biệt, từ chăn nuôi, giết mổ, đến tiêu thụ, công tác vệ sinh môi trường.
Ông Võ Ngọc Sơn - Giám đốc HTX cho biết: “Khả năng kết nối các tổ hợp tác giúp HTX Duy Đại Sơn hình thành mô hình sản xuất khép kín từ tạo giống đến chăn nuôi, tiêu thụ. Không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế, mô hình khép kín còn góp phần nâng cao ATLĐ”.
Đồng thời, sự tham gia và giám sát chặt chẽ của HTX giúp hoạt động chăn nuôi của các hộ liên kết trên địa bàn xã Duy Tân hiệu quả và an toàn hơn. Hệ thống chuồng trại được nâng cấp, hiện đại hóa, bảo đảm hệ thống xử lý chất thải, ý thức về ATLĐ trong quá trình sản xuất của người chăn nuôi cũng được nâng lên.
![]() |
Duy Xuyên đang đẩy mạnh phát triển các HTX, phát huy vai trò đầu tàu xây dựng kinh tế hợp tác của tỉnh |
HTX nông nghiệp Duy Phước là một trong những HTX đầu tiên được thành lập ở huyện Duy Xuyên. Sau hơn 40 năm hoạt động, HTX đang có 3.000 thành viên, hình thành 21 đội sản xuất cơ bản, 9 đội chuyên sản xuất cây lác, cây đay, chăn nuôi lợn, trâu bò; ngành nghề gồm dệt chiếu, làm gạch, ngói, mộc, nề; lâm nghiệp có trồng cây phòng hộ ven sông.
Giai đoạn 2012-2015, HTX đã đầu tư nâng cấp hơn 11,5km kênh mương, đến nay, gần 20km đã được bê tông hóa, đạt hơn 80% theo tiêu chí nông thôn mới. Năm 2017, HTX tiếp tục đầu tư xây dựng mới trạm bơm 19.5 với tổng trị giá gần 6 tỷ đồng; đầu tư hệ thống điện cho các cánh đồng với tổng trị giá gần 9 tỷ đồng.
Trong 3 năm qua, các HTX của huyện cũng đang đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, HTX cùng chuyên ngành theo hình thức hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, gia tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Năm 2017, các HTX và hộ nông dân đã liên kết với các doanh nghiệp thực hiện sản xuất trên diện tích 177ha, trong đó có 167ha lúa giống và 10ha ớt. Đặc biệt, thành lập được HTX Lệ Bắc làm cầu nối với doanh nghiệp trong việc lựa chọn giống cây trồng.
“Kết quả cho thấy hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện bước đầu đã đem lại kết quả rất tích cực. Sắp tới, huyện sẻ đẩy mạnh phát triển các HTX để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và bền vững, góp phần thực hiện thành công nông thôn mới”, ông Văn Bá Năm cho hay.
Phong Vân