Để có được những kết quả này, huyện Cao Lãnh đã chủ động xác định các cây, con chủ lực để tập trung phát triển theo hướng VietGAP, an toàn sinh thái như cây lúa, cây xoài, cây chanh, cá điêu hồng, vịt,… Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh phát triển các ngành hàng tiềm năng như ổi, cá tra, gà thảo dược, cam xoàn…
![]() |
HTX Thuận Tiến sử dụng máy bay để phun thuốc bảo vệ thực vật sinh học giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường (Ảnh Tư liệu) |
Đặc sắc mô hình “Ruộng nhà mình”
“Ruộng nhà mình” hay còn gọi là cánh đồng thông minh 4.0 là mô hình đang gây ấn tượng mạnh, mở ra hướng đi hiệu quả mang lại giá trị cao về kinh tế cũng như môi trường sinh thái trên địa bàn huyện Cao Lãnh.
Mô hình này được sản xuất tại vùng trồng lúa theo hướng VietGAP của HTX Thuận Tiến (huyện Cao Lãnh) thuộc dư án VnSAT - Đồng Tháp.
Bên cạnh sử dụng phân bón thông minh, HTX đã ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý đồng ruộng, giúp nông dân giảm hơn 15% chi phí sản xuất và được Công ty lương thực Đồng Tháp liên kết tiêu thụ, giá lúa trong mô hình “Ruộng nhà mình” luôn cao hơn bên ngoài ít nhất là 100 đồng/kg.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc HTX, cho biết để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX đã đầu tư thử nghiệm máy bay phun thuốc trên đồng ruộng. Đây là phương thức giúp HTX giảm công lao động, tiết kiệm chi phí và đặc biệt là giảm lượng thuốc góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
“Phun thuốc bằng máy bay có hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, luồng gió luân chuyển từ cánh quạt máy bay sẽ giúp hạt thuốc tiếp xúc được một lượng lớn cây trồng, tăng 50% hiệu quả phun thuốc, tiết kiệm được 30% thuốc bảo vệ thực vật”, ông Hùng khẳng định.
Việc tiết kiệm tới 30% lượng thuốc giúp HTX giảm thiểu dư lượng chất độc hại ra môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất. Đồng thời, các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng được HTX lựa chọn kỹ lưỡng theo danh mục cho phép.
Ngoài giá trị về môi trường, mô hình “Ruộng nhà mình” giúp thành viên HTX giảm thiểu lượng giống, chỉ khoảng 8 kg/công. Năng suất bình quân đạt 7 - 8 tấn lúa tươi/ha, chi phí sản xuất giảm 45 - 50% so với phương thức canh tác cũ, đảm bảo lợi nhuận cao cho người sản xuất.
![]() |
Từ mô hình hội quán, nhiều HTX đã được thành lập tại Cao Lãnh (Ảnh TL) |
Từ hội quán đến HTX
Cùng với “Ruộng nhà mình”, mô hình hội quán nông nghiệp cũng là mô hình mang lại hiệu quả cao tại Cao Lãnh. Những năm qua, mô hình Hội quán nông dân được huyện tập trung chỉ đạo vận động, tuyên truyền thành lập tạo điều kiện cho việc hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản của nông dân.
Từ mô hình hội quán đã có hàng chục HTX, tổ hợp tác được thành lập. Điển hình như HTX xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh), nhờ chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX đang chinh phục hàng loạt thị trường khó tính từ khắp châu Á, châu Âu đến châu Mỹ xa xôi.
Ông Võ Việt Hưng – Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương, cho biết nếu như trước đây, nhà vườn chỉ dựa vào kinh nghiệm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, thì nay việc trồng xoài dựa vào kỹ thuật, công nghệ, loại bỏ các hóa chất gây hại cho môi trường.
“100% thành viên HTX hiện nắm vững quy trình sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, được cấp mã số vùng trồng, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Không chỉ nâng cao lợi ích kinh tế, sản xuất sạch còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Hưng cho hay.
Sở hữu vườn xoài rộng 1,5 ha đang trong thời kỳ thu hoạch, ông Võ Hữu Hiền – thành viên HTX xoài Mỹ Xương, chia sẻ từ khi áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, gia đình đã giảm được khoảng 80% các loại phân, thuốc hóa học.
“Trước đây, thông thường mỗi vụ phải tốn 8 - 10 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, sản lượng chỉ đạt 15 - 16 tấn/ha. Áp dụng công nghệ mới chỉ cần 1 - 2 lần thuốc (được chọn lựa kỹ càng, đúng danh mục cho phép) nhưng sản lượng lại đạt đến 20 tấn/ha”, ông Hiền phấn khởi nói.
Rõ ràng, ngành nông nghiệp huyện Cao Lãnh đang có những bước đột phá mạnh mẽ, với nhiều mô hình sản xuất đặc sắc. Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho nông dân, huyện sẽ cần đẩy mạnh thêm nhiều chính sách để nhân rộng các mô hình hiệu quả như “Ruộng nhà mình”, hội quán nông dân…
Nhật Minh