![]() |
Máy móc hiện đại là một trong những yếu tố hạn chế ô nhiễm môi trường trong dệt may |
Từ khi thay đổi theo Luật HTX 2012, hoạt động của HTX không chỉ thúc đẩy phát triển sản xuất của các hộ thành viên và người lao động ở khu vực nông thôn, mà năng lực tổ chức quản lý điều hành của cán bộ quản lý trong HTX cũng từng bước được nâng lên. Ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa của HTX được đưa ra thị trường trong và ngoài nước.
Hướng đến chuyên nghiệp hóa
Dệt may bằng tay với sự khéo léo và tỉ mỉ mang lại những giá trị văn hóa riêng. Tuy nhiên, nhược điểm của quá trình sản xuất thủ công là năng suất thấp đi kèm với ô nhiễm môi trường. Đây là những yếu tố dẫn đến hàng loạt khó khăn, thậm chí HTX có nguy cơ phải giải thể vì sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.
Đứng trước những khó khăn trên, HTX Chiến Thắng đã không ngừng đổi mới, đầu tư cơ sở vật chất và thay đổi phương pháp hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
“Với sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, HTX muốn tồn tại và phát triển phải liên tục tìm tòi những cái mới, sáng tạo và thay đổi cho phù hợp với thực tế. Trong đó, thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang hiện đại, chuyên nghiệp là điều rất cần thiết” - Chủ tịch HĐQT-Giám đốc HTX, bà Đặng Ngọc Dung, cho biết.
Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng, HTX đã liên kết với các đối tác để được hỗ trợ về công nghệ tự động và hỗ trợ đầu ra. HTX chịu trách nhiệm may đúng mẫu mã, chất lượng, giao hàng đúng thời hạn hợp đồng hai bên ký kết.
Đến nay, HTX Chiến Thắng đã và đang trên đà phát triển lớn mạnh trong lĩnh vực may mặc, chuyên nhận các đơn đặt hàng may mặc xuất khẩu của các đối tác từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX đã cùng thành lập CTCP Dệt len Phương Nam và CTCP Thiên Phúc Tiền Giang. Các công ty này được thành lập với mục đích hỗ trợ sự phát triển bền vững của HTX.
Hiện, các xưởng sản xuất của HTX đều phát triển theo quy mô công nghiệp hiện đại, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của thế giới, tạo nền tảng phát triển cho ngành dệt len.
Theo Giám đốc Đặng Ngọc Dung, hoạt động của HTX đã tạo ra hàng nghìn việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là lao động nữ với mức thu nhập 4,5-6,5 triệu đồng/người tháng.
Chị Nguyễn Thị Vân, người lao động trong HTX, chia sẻ: HTX Chiến Thắng không chỉ tạo việc làm với mức lương ổn định mà người lao động còn được hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao tay nghề, đóng bảo hiểm đầy đủ.
Đáp ứng thị trường khó tính
Đi cùng với đầu tư máy móc, HTX tuân thủ nghiêm vấn đề bảo vệ môi trường. Các xưởng dệt may của HTX đều được xây dựng hiện đại, đặt xa khu dân cư để không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Ngoài chú trọng xử lý nước thải, HTX cũng chú trọng đưa vào dệt may bằng những sợi tự nhiên, sợi hữu cơ và quy trình chế biến sạch để tránh ô nhiễm đất và nguồn nước sinh hoạt.
Chính vì vậy, HTX đã tạo ra những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, đáp ứng việc bảo vệ môi trường thiên nhiên. Những sản phẩm này của HTX cũng đáp ứng được nhu cầu cao của thị trường nước ngoài, đồng thời tăng tính cạnh tranh của sản phẩm dệt may.
Theo Ban giám đốc HTX, để có một môi trường sản xuất như hiện nay, HTX đã đầu tư nhiều hạng mục nhằm tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng cũng như tạo môi trường lao động trong sạch, đảm bảo lợi ích môi trường - xã hội và kinh tế. Đây cũng là điều kiện bắt buộc đối với mặt hàng may mặc khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Với sự cố gắng nỗ lực của các thành viên và Ban Giám đốc, hiện nay, HTX Chiến Thắng đã tạo được uy tín đối với khách hàng. Các sản phẩm được tạo ra rất đa dạng về hình thức và mẫu mã với những nguyên liệu dệt chủ yếu là mây, tre, bông, vải, sợi, sợi len phù hợp với thị trường, thu hút các đơn hàng từ Nam ra Bắc cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.
Như Yến