Đơn cử như câu chuyện lây lan dịch tả lợn châu Phi và bản dự thảo cuối về Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607:2019 – Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm đang là hai vấn đề tạo tâm lý không tốt đối với các nhà sản xuất thực phẩm Việt.
Phép thử tiêu chuẩn
Dịch tả lợn châu Phi được cho là ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm trong nước chuyên sản xuất các sản phẩm từ thịt lợn.
Dù quy trình sản xuất của nhiều DN được kiểm soát chặt chẽ về nguyên liệu đầu vào, nhưng vì sợ ăn phải lợn bệnh nên nhiều người tiêu dùng (NTD) có tâm lý e ngại, không dám mua thịt lợn và các loại xúc xích, thịt hộp, giò lụa…
Nhân chuyện dịch bệnh, để NTD nhận diện thực phẩm an toàn thì việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế đối với các DN thực phẩm Việt là điều hết sức quan trọng.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), cho biết hiện nay đã có hàng ngàn DN áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế. Con số hàng ngàn cứ tưởng là nhiều nhưng nếu so với số lượng DN của Việt Nam thì thực ra chưa đáng kể.
"Về việc nhận thức vai trò, lợi ích của việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn để giúp cho DN ngày càng cải tiến hơn hoạt động của mình hoặc phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình còn nhiều DN chưa thực sự nắm bắt được cơ hội này", ông Linh bày tỏ.
Thế nhưng, với bản dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607:2019 về Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm lại đang gây ra nhiều tranh cãi từ phía DN thực phẩm trong ngành hàng nước mắm.
Dù tuần qua, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) có tổ chức họp báo để phân bua và cho biết lược bỏ một số nội dung bất hợp lý, thế nhưng các DN nước mắm vẫn chưa yên tâm vì thấy rằng ngành nghề của mình đang bị khâu hoạch định chính sách làm khó.
Ông Trương Tiến Dũng, Phó chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA), đã lưu ý rằng có rất nhiều DN thực phẩm sử dụng nước mắm làm gia vị cho sản phẩm của mình (như chả lụa, xúc xích..) đã rất lo lắng.
"Nếu như đưa những nội dung trong bản dự thảo TCVN 12607:2019 vào trong thực tế thì chắc chắn rủi ro sẽ tăng lên để triệt tiêu ngành nghề nước mắm truyền thống lâu đời ở Việt Nam", ông Dũng nhấn mạnh.
Ngoài chuyện nước mắm, hiện nay, phía FFA cũng đang phải tìm giải pháp tháo gỡ nhanh những khó khăn cho các DN là thành viên của Hội trong việc nhập khẩu lúa mỳ vốn đã gặp vướng ở khâu chính sách từ hồi tháng 10 năm ngoái trước tình hình lúa mỳ nhập khẩu có nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense.
![]() |
Người tiêu dùng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp thực phẩm |
Sức ép cạnh tranh
Bên cạnh những câu chuyện điển hình nêu trên, việc cạnh tranh từ thực phẩm ngoại vẫn luôn là nỗi niềm canh cánh của các DN thực phẩm Việt, nhất là hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) của khối ngoại trong ngành hàng thực phẩm thời gian qua khá nhộn nhịp.
Các tên tuổi lớn trong ngành hàng thực phẩm đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… với lợi thế về tài chính, kinh nghiệm và công nghệ cũng đang ráo riết vào Việt Nam.
Áp lực cạnh tranh từ thực phẩm ngoại được phản ánh một phần từ kết quả khảo sát NTD năm 2019 được Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao công bố gần đây cho thấy mặc dù sản phẩm trong nước vẫn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ đa số NTD yêu thích và thường mua dùng (89% và 93%), nhưng tỷ lệ NTD yêu thích sản phẩm ngoại nhập từ kết quả khảo sát ba năm qua vẫn cao hơn tỷ lệ mua dùng hiện tại.
Với xu thế này, có thể trong tương lai gần, tỷ lệ mua dùng sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch sang các sản phẩm ngoại nhập, nhất là hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.
Yếu tố chất lượng (mà NTD cảm nhận như ngon/hợp khẩu vị) và tính an toàn khi sử dụng là hai yếu tố được NTD Việt hiện nay quan tâm hơn cả. Kế đến mới là các yếu tố thông tin sản phẩm rõ ràng, dễ tìm mua hay thương hiệu nổi tiếng. Các yếu tố giá cả, khuyến mãi chỉ còn sức hút với một bộ phận nhỏ NTD và không còn là yếu tố lựa chọn tiên quyết.
Nói về việc cạnh tranh với thực phẩm ngoại nhập ngay trên "sân nhà", bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Giám đốc marketing công ty thực phẩm Infoma (một DN thuần Việt), cho rằng có sự "khắc nghiệt" rất lớn. Các DN nội phải cạnh tranh trực tiếp với những tập đoàn thực phẩm lớn trên thế giới vừa có nguồn lực tài chính mạnh vừa có bề dày kinh nghiệm.
"Điều này đòi hỏi DN Việt cần phải có hướng đi riêng nhằm có thể tiếp cận trực tiếp đến NTD để họ trải nghiệm sản phẩm của mình, bởi vì NTD cuối cùng vẫn là người quyết định doanh số của DN", bà Trúc chia sẻ.
Cụ thể, theo bà Trúc, làm sao tiếp cận về mặt truyền thông đối với NTD, và hướng đi của công ty là dùng "công cụ số" để tiếp cận với "NTD số" khi mà trên 50% người Việt có sử dụng smartphone và mạng internet.
Việc sử dụng "công cụ số" sẽ giúp công ty có thể tiếp cận đúng đến từng đối tượng NTD, chứ không phải là "đánh tràn lan" và vừa giúp tiết kiệm được ngân sách.
Trên thực tế, ngoại trừ những DN thực phẩm ý thức được tầm quan trọng của truyền thông thì vấn đề này vẫn được đánh giá là mặt hạn chế của các DN Việt trong ngành thực phẩm, do họ thiếu khả năng kiểm soát thông tin dù đang đứng trước bối cảnh công nghệ số như hiện nay.
Thế Vinh