Có thể đơn cử như trường hợp hệ thống Cơm tấm Kiều Giang (thuộc công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ – Xuất nhập khẩu Kiều Giang) lùm xùm những ngày qua do bị cơ quan quản lý kiểm tra phát hiện có "chất lạ" trong nguyên liệu chế biến. Đây là "thương hiệu" cơm tấm có tiếng nhiều năm nay ở Tp.HCM với khá nhiều cửa hàng.
Thiệt hại do coi nhẹ
Kể từ khi Ban quản lý An toàn thực phẩm Tp.HCM kiểm tra kho chứa nguyên liệu của thương hiệu Cơm tấm Kiều Giang ở quận 9 vào ngày 21/8 và báo chí đồng loạt đưa tin là phát hiện sử dụng nguyên liệu "lạ" đến nay, lượng khách đến hệ thống quán ăn này giảm đáng kể.
Như chia sẻ của chủ hệ thống quán cơm này, chỉ một thông tin ban đầu từ truyền thông đã khiến thương hiệu chịu ảnh hưởng rất lớn. Chất "lạ" thực ra là những chất đơn giản được sử dụng trong nhà hàng như đường, muối, hạt nêm… "Dùng từ kiểu này giết chết hết doanh nghiệp (DN). Thiệt hại quá", vị này bức xúc.
Trong khi đó, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm Tp.HCM, cho rằng nếu Cơm tấm Kiều Giang là DN nhỏ thì ít người quan tâm, nhưng đây là DN lớn, thông tin rất nhạy cảm nên nhiều người chú ý.
Do đó, khi báo chí đăng tải Cơm tấm Kiều Giang sử dụng phụ gia không nguồn gốc, không loại trừ khách hàng quay lưng với DN này. Bởi vậy, DN càng nổi tiếng thì càng phải chuẩn bị kỹ càng những nội dung mà đoàn kiểm tra yêu cầu. DN lớn thì trách nhiệm lớn, thiệt hại cũng lớn nếu như có sai lầm. Đây cũng là bài học cho DN trong quá trình hoạt động và phục vụ công tác kiểm tra.
Qua câu chuyện này cũng như liên hệ đến thị trường thực phẩm Việt hiện nay, theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí bị "khinh nhờn" sẽ ảnh hưởng đến thị phần một số thương hiệu thực phẩm của khối nội trong bối cảnh các DN thực phẩm ngoại luôn chực chờ nhảy vào lấn chiếm.
Trong báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Mintel về các xu hướng thực phẩm trong năm 2018 cũng nhấn mạnh đến yêu cầu của người tiêu dùng (NTD) đối với tính minh bạch của các công ty thực phẩm.
Để lấy lại niềm tin của NTD, theo báo cáo này, nhiều nhà sản xuất thực phẩm đang chú trọng đến việc ghi rõ trên nhãn các thông tin về cách thức, địa điểm và thời điểm mà thực phẩm được nuôi trồng, thu hoạch, chế biến và bán.
Cần nhắc lại cuộc khảo sát năm 2018 của Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho thấy bốn nguy cơ vệ sinh an toàn thực phẩm (gồm sử dụng chất cấm, nguyên liệu quy trình sản xuất không hợp vệ sinh, dư lượng hoá chất độc hại trong sản phẩm) chiếm tỷ lệ hơn 62% về những lo ngại của NTD Việt khi chọn mua sản phẩm thực phẩm. Điều này vượt xa những lo ngại còn lại như hàng giả hay tự ý thay đổi hạn sử dụng…
![]() |
Mức độ an toàn thực phẩm chưa được DN nội quan tâm đúng mức |
Chờ sạch và an toàn
Rõ ràng, vấn đề "thực phẩm sạch và an toàn" hiện là mối quan tâm bậc nhất của NTD. Kết quả khảo sát còn cho thấy đa số NTD chọn mua dựa trên yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm (71-87%), tuỳ thuộc sản phẩm từng ngành hàng.
Ngay cả trong vấn đề xuất khẩu (XK) thực phẩm cũng đáng lưu tâm về mặt tiêu chuẩn an toàn. Mới đây, chia sẻ với các DN trong ngành thực phẩm tại Tp.HCM, bà Marieke Van Der Pijl, chuyên gia Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho biết hồi năm ngoái, EU có 77 cảnh báo đối với hàng XK của Việt Nam, trong đó có 23 lô hàng bị từ chối nhập khẩu. Những tháng đầu năm 2018, EU tiếp tục từ chối 11 lô hàng trong tổng số 36 lô hàng bị cảnh báo của Việt Nam.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Marieke chỉ ra rằng rất nhiều lô hàng của Việt Nam bị từ chối nhập vào EU với nguyên nhân đầu tiên là liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm.
"Nếu nhìn vào danh sách những sản phẩm đã bị từ chối, nhận được cảnh báo thì sẽ thấy có dư lượng về kháng sinh, kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y… Điều này đòi hỏi các DN thực phẩm Việt nên quan tâm", bà Marieke nói.
Theo vị chuyên gia này, ở thị trường Việt Nam, giải quyết vấn đề này không phải là quá khó. Các DN trong nước có thể cải thiện thông qua các phòng thí nghiệm, đánh giá kiểm định thật nghiêm túc và đảm bảo chất lượng dành cho những lô hàng trước khi XK.
Ngoài ra, trong quá trình vận chuyển, vi khuẩn sẽ dễ sinh sôi nên các DN cần lưu ý. Hơn nữa, nhãn mác và đóng gói phải đảm bảo ghi đầy đủ những thông tin yêu cầu của công ty mà DN XK đến.
Điều đáng nói, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về XK sản phẩm nông sản, thuỷ sản, nhưng các dòng sản phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Một trong những nguyên nhân chính yếu là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Đây là một trong những điểm yếu cần được DN thực phẩm nội địa quan tâm cải thiện khi cạnh tranh với các DN nước ngoài trong xu thế hội nhập.
Thế Vinh