Thị trường Mỹ hiện chiếm 33% tổng doanh thu xuất khẩu (XK) tôm của CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC). Tuy nhiên, khả năng doanh thu, lợi nhuận của FMC vào thị trường chủ lực này sẽ giảm đáng kể trong thời gian tới trước ảnh hưởng của việc Mỹ áp thuế cao lên hàng thủy sản Việt Nam.
Từ chuyển hướng xuất khẩu tôm
Chính vì vậy, trong báo cáo cập nhật mới đây từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán ABS, cho rằng FMC có chiến lược đẩy mạnh các thị trường mới như Canada, Úc, vốn có tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe. Với thế mạnh tự chủ vùng nuôi tốt, FMC sẽ có lợi thế để xâm nhập các thị trường này.
![]() |
Thị trường Halal được đánh giá là đầy tiềm năng cho hàng Việt chuyển hướng XK, điều quan trọng là các DN Việt phải đạt tiêu chuẩn chứng nhận Halal. |
Riêng với thị trường Nhật (hiện chiếm 28% doanh thu), FMC sẽ tăng cường thâm nhập khi doanh nghiệp (DN) đã có những thế mạnh sẵn có. Thị trường này ưa thích các sản phẩm chế biến sâu, chế biến cao mà FMC đã và đang sản xuất được. Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc cũng được FMC đánh giá đang có tiềm năng tăng sản lượng.
Còn với thị trường Trung Quốc, theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT của FMC, đây là thị trường tiềm năng số một. Nhưng để thâm nhập, phải hội đủ điều kiện mà hiện tại FMC vẫn chưa đạt. Khi điều kiện chín muồi công ty sẽ vào.
Ông Lực cho rằng không quá lo nếu phải rút khỏi thị trường Mỹ, vì đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho các thị trường thay thế. Thời gian để tiếp cận thị trường mới không quá lâu, thậm chí chỉ trong năm nay đã có thể triển khai được. Chi phí tiếp cận thị trường mới là có, nhưng không đến mức quá lớn hay không kiểm soát được, trong nhiều trường hợp, công ty hỗ trợ giá để mở đầu, rồi cùng nhau phát triển lâu dài. FMC có lợi thế là đã quen biết nhiều đối tác từ trước. Họ tin tưởng và sẵn sàng mở rộng nhập khẩu nếu công ty chủ động cung ứng.
Trong khi đó, với một DN hàng đầu về XK tôm là CTCP Camimex Group (CMX), nhờ những năm trước đã chuyển trọng tâm từ Mỹ (vốn từng chiếm đến 50% doanh thu XK) sang những thị trường mới tiềm năng (như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và Canada) cho nên hiện nay 95% doanh thu XK đến từ các thị trường mới này, trong khi thị trường Mỹ hiện chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu XK.
Nhờ đó, doanh thu XK trong tháng 4/2025 của DN này dự kiến sẽ cao gấp 2,5 lần cùng kỳ năm 2024, và các tháng tiếp theo tiếp tục có triển vọng tích cực nhờ các hợp đồng hiện có ở những thị trường mới. Riêng quý 1/2025, doanh thu XK đạt 19,66 triệu USD, tăng gấp 2,15 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài hai DN nêu trên, có thể nói việc tăng tốc chuyển hướng sang thị trường mới đối với XK tôm là rất cần thiết trong lúc này nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc Mỹ áp thuế cao lên hàng thủy sản Việt Nam.
Thực tế cho thấy mục tiêu đạt 4 tỷ USD trong năm 2025 sẽ rất thách thức cho XK tôm của Việt Nam do ảnh hưởng từ thuế đối ứng của Mỹ và áp lực cạnh tranh toàn cầu. Vì thế, đây là mốc thời gian “vàng” để các DN điều chỉnh chiến lược nhằm bước vào “cuộc đua” đến với những thị trường mới tiềm năng.
Như khuyến nghị từ giới chuyên gia, các DN xuất khẩu tôm nên đẩy mạnh khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: EVFTA, CPTPP, RCEP…Đồng thời, họ cần mở rộng các thị trường tiềm năng có nhu cầu tiêu thụ tôm lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, châu Âu.
Và hơn thế nữa, thị trường Halal (dành cho người Hồi giáo) cũng được đánh giá là đầy tiềm năng cho XK tôm. Thị trường này sẽ giúp cho các DN bù đắp cho các đơn hàng ở thị trường Mỹ nếu mức thuế đối ứng không được thay đổi theo hướng mà DN kỳ vọng khi qua mốc thời gian 90 ngày hoãn thuế.
Đến tối ưu hóa cơ hội
Riêng về thị trường Halal, trong một hội thảo được tổ chức ở Tp.HCM hôm 28/4 nhằm bàn về việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong ngành công nghiệp Halal giữa Việt Nam và Indonesia, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC), có lời khuyên cho các nhà XK của Việt Nam là cần đổi mới mô hình, tập trung vào thị trường tiềm năng như Halal để mở rộng XK, đồng thời chủ động ứng phó với nguy cơ sụt giảm ở thị trường truyền thống.
Theo ông Lữ, ngành công nghiệp Halal và thị trường sản phẩm Halal đang còn nhiều dư địa để khai thác. Dự báo đến năm 2033, thị trường Halal toàn cầu có thể đạt 5,912 nghìn tỷ USD đối với ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) trong ngành công nghiệp Halal và dự kiến sẽ đạt 10 nghìn tỷ USD vào năm 2030 bao gồm thực phẩm và đồ uống (F&B) và các ngành hàng khác.
Đơn cử như với thị trường Indonesia, vị giám đốc của ITPC đánh giá là thị trường Halal lớn nhất thế giới với hơn 280 triệu dân, trong đó phần lớn theo đạo Hồi. Đây là cơ hội để DN Việt Nam đẩy mạnh XK các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal sang thị trường này.
“Tuy nhiên, các quy chuẩn Halal nghiêm ngặt, hệ thống chứng nhận phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với DN”, ông Lữ lưu ý.
Còn theo ông Agustaviano Sofjan, Tổng Lãnh sự Indonesia tại Tp.HCM, ngành công nghiệp Halal là trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và Indonesia, không chỉ đáp ứng nhu cầu của cộng đồng Hồi giáo mà còn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng toàn cầu nhờ cam kết về chất lượng và an toàn.
Ngoài thị trường Halal thì thị trường Nam Mỹ cũng được đánh giá là đầy tiềm năng mà các nhà XK của Việt Nam cần tăng tốc thâm nhập. Chẳng hạn ở Nam Mỹ có Chile đang khẳng định vị thế là điểm đến XK chiến lược. Nơi đây không chỉ là cửa ngõ thương mại mà còn là đối tác chiến lược giúp DN Việt mở rộng thị trường tại Nam Mỹ - một khu vực rộng lớn với tổng GDP 4.000 tỷ USD và dân số 431 triệu người.
Với thị trường mới như Chile thì Việt Nam có cơ hội gia tăng hiện diện tại thị trường này, nhất là ngành công nghiệp chế biến và XK nông sản, với sự hỗ trợ từ các hiệp định thương mại tự do và ưu đãi thuế. Giới chuyên gia khẳng định FTA là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng thương mại, giúp kim ngạch XK Việt Nam sang Chile tăng khoảng 500% trong 10 năm đầu thực thi VCFTA (FTA Việt Nam - Chile).
Ông Pablo Arancibia Salazar, Đại diện thương mại, Cục xúc tiến xuất khẩu Chile (ProChile), nhấn mạnh để tối ưu hóa cơ hội thì các DN Việt Nam cần đa dạng hóa sản phẩm XK vào thị trường Chi Lê và ổn định nguồn cung nguyên liệu.
Bên cạnh đó, bà Bùi Hoàng Yến, Phụ trách Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại phía Nam (Bộ Công Thương), lưu ý các thách thức mà DN Việt Nam cần đối mặt khi vào thị trường Chile. Chẳng hạn như chi phí logistics cao hơn 25-30% so với các nước châu Á, thời gian vận chuyển kéo dài, áp lực cạnh tranh do Chile đã ký nhiều FTA khác và các rào cản kỹ thuật. Điều này đòi hỏi DN Việt Nam cần đầu tư công nghệ, nâng cao hệ thống quản trị và cần sự hỗ trợ về chính sách, thông tin thị trường.
Thế Vinh