Tại buổi làm việc mới đây với Liên minh HTX Việt Nam về việc tổ chức chuỗi giá trị cung cấp thực phẩm Halal cho thị trường những người theo đạo Hồi trên thế giới, ông Ramlan Osman, Chủ tịch công ty Rayt Enterprise – một công ty môi giới, cung cấp và tiêu thụ các sản phẩm Halal, cho biết Halal – theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là "hợp pháp" hoặc "cho phép" theo Luật Hồi giáo.
Yêu cầu khắt khe
Người Hồi giáo chỉ sử dụng những sản phẩm được chứng thực Halal theo Luật Hồi giáo. Sản phẩm Halal là sản phẩm được xác nhận không có thành phần Haram và đảm bảo sự "tinh khiết" trong quá trình sản xuất, bao gồm nhóm thực phẩm và phi thực phẩm, thịt và gia cầm, các sản phẩm không phải là thịt, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và y tế.
Cụ thể, thực phẩm Halal ngoài việc không sử dụng bất kỳ loại rượu hay thức uống gây nghiện hay độc hại còn phải được làm từ nguồn thực vật và động vật được xử lý theo đúng phương pháp của đạo Hồi.
Các sản phẩm thực phẩm từ động vật tuân thủ theo chứng chỉ Halal phải là động vật được cho ăn ở chế độ tự nhiên, không chứa các sản phẩm làm từ động vật khác, do đó các loại thịt từ động vật săn mồi như sư tử, hổ, gấu hoặc các loài vật ăn thịt như chó, rắn đều không phải là thực phẩm Halal. Đặc biệt, thịt lợn, thịt la – lừa cũng bị cấm.
Hầu hết các loại hải sản đều được xem là Halal, trừ những loài vật sống được cả dưới nước và trên cạn như cua, ếch, cá sấu.
Về cách thức chế biến, động vật phải được giết mổ bằng các dụng cụ mài sắc, vết mổ phải ở vị trí nhất định. Nếu động vật bị giết thịt bằng cách bóp nghẹt thở hoặc đánh đập đều bị cấm.
Việc giết mổ phải được thực hiện bởi người Hồi giáo hoặc người Do Thái. Thịt Halal là thịt không dính máu, do đó sau khi giết mổ phải treo ngược lên để máu chảy ra hết. Các sản phẩm chế biến có chứa máu động vật đều bị cấm.
Hiện nay có khoảng gần 2 tỷ người theo đạo Hồi, chiếm 1/4 dân số thế giới. Tại ASEAN, có 300 triệu người, hay 1/2 dân số cũng là người Hồi giáo. Nhu cầu thực phẩm và sản phẩm Halal của các nước trên thế giới ngày một tăng, do người tiêu dùng đạo Hồi đã tạo ra một nhu cầu mang tính tín ngưỡng đối với thực phẩm và sản phẩm Halal.
Theo dự báo của hãng Thomson Reuters, thị trường sản phẩm và dịch vụ Halal toàn cầu có thể đạt 3.081 tỷ USD vào năm 2022, ông Ramlan Osman cho biết. Dự báo tới năm 2025, thực phẩm có dấu chứng nhận Halal (thực phẩm Halal) sẽ chiếm 20% tổng giá trị thực phẩm tiêu thụ trên toàn thế giới.
Do vậy, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Hồi giáo là một hướng đi có tiềm năng của các quốc gia có thế mạnh trong sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, trong đó có Việt Nam.
![]() |
Hải sản Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu |
Tuân thủ nghiêm ngặt
Ông Ramlan Osman nhận định điều quan trọng nhất để Việt Nam có thể gia nhập những nước cung cấp sản phẩm Halal là phải đạt được chứng chỉ thực phẩm Halal. Hiện, tùy vào mỗi nước khác nhau sẽ quy định các tiêu chuẩn chứng chỉ Halal khác nhau, nhưng vẫn sẽ phải tuân thủ theo những quy định trong Kinh Coral.
Tại Việt Nam, theo ông Ramlan Osman, các sản phẩm nông sản như chè, cà phê, hồ tiêu, hạt điều… đều có thể nhanh chóng đáp ứng được những tiêu chuẩn này.
Qua các thống kê, khảo sát và thăm dò gần đây, các thị trường lớn tiêu thụ thực phẩm Halal như Malaysia, Indonesia, Brunei và Trung Đông đều đang quan tâm đến các sản phẩm của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc xâm nhập thị trường thực phẩm Halal của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua chỉ mang tính khởi đầu và bộc phát, chưa có lộ trình cụ thể.
Như tại Hội chợ và Triển lãm Halal quốc tế lần thứ 15 vào tháng 4/2018 tại Malaysia vừa qua, Việt Nam chỉ có 4 doanh nghiệp tham dự là Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Cà phê Trung Nguyên, CTCP Dầu cá châu Á và Tập đoàn Lộc Trời với các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm như gạo, cà phê, điều, tiêu, dầu cá.
Thực tế cho thấy việc xuất khẩu mặt hàng có chứng nhận Halal của Việt Nam sang thị trường Hồi giáo đang gặp khó khăn, do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, xuất khẩu hàng lương thực, thực phẩm thiếu thông tin về yêu cầu và chất lượng đối với sản phẩm Halal.
Đặc biệt, với các sản phẩm đã qua chế biến như các loại thịt đều khó được cấp chứng nhận Halal vì thực phẩm Halal không đơn giản là thực phẩm không chứa thịt lợn mà bao gồm cả việc áp dụng các quy trình liên quan đến việc giết mổ, xử lý, chế biến…
Hải sản – loại hàng được mặc định là thực phẩm Halal nhưng cũng khó được cấp chứng chỉ do nhiều hộ nông dân Việt Nam nuôi hải sản bằng thức ăn không phải Halal.
"Mặc dù có những thuận lợi về nguồn sản phẩm nhưng khó khăn và cản trở lớn của doanh nghiệp Việt Nam là khả năng đáp ứng các yêu cầu Halal. Trong đó, có doanh nghiệp chưa trung thực về nguồn gốc nguyên liệu, quy trình sản xuất… Trong quá trình tư vấn cho DN, chúng tôi gặp không ít trường hợp sản phẩm ban đầu đạt chất lượng Halal nhưng sau một thời gian thì không đảm bảo. Nếu chỉ một lần không đúng như cam kết thì chắc chắn không có cơ hội làm ăn với họ lần hai", ông Abdullah Abdulrohman, Giám đốc công ty TNHH Xuất nhập khẩu Halal Việt Nam (trụ sở tại Tp.HCM) nói.
Hồng Nhung