Mặc dù chưa học qua trường lớp chuyên môn, nhưng sau hơn 10 năm gắn bó và trải qua nhiều kinh nghiệm thực tế, đến nay, anh Hưng đã nắm rõ tường tận kỹ thuật chăm sóc dê mẹ - dê con, luôn đảm bảo tốt nhất theo từng thời điểm.
“Kỹ sư” không bằng cấp
Chia sẻ cùng VnBusiness, anh Hưng cho hay, sau một thời gian mở trang trại nuôi dê, nhận thấy nhu cầu về con giống dê luôn cao, nên HTX chuyển hướng tập trung nuôi dê mẹ sinh sản cung cấp dê giống ra thị trường.
“HTX chủ yếu cung cấp hàng giống sinh sản. Hàng giống sinh sản sẽ chủ động hơn về thị trường so với dê thịt, và nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì dê sinh sản chỉ cần bỏ vốn một lần sẽ cho thu nhập lâu dài. Hơn nữa, nhu cầu về con giống dê luôn cao nên HTX Vĩnh Thụy chưa bao giờ phải lo ngại chuyện đầu ra”, anh Hưng thông tin.
![]() |
Mô hình nuôi dê hiệu quả tại HTX Vĩnh Thụy (Ảnh: nhân vật cung cấp). |
Anh Hưng cho hay, nuôi dê có thể xoay vòng vốn nhanh, kinh tế hơn do dê tiêu thụ ít thức ăn và ăn tạp hơn so với trâu - bò - ngựa.
Thức ăn của dê đa dạng, dễ kiếm, chủ yếu là các loại lá cây như lá ngô, lá khoai, lá sung, cỏ voi, rau, phụ phẩm công nghiệp như bã bia, bã đậu,... Dê cũng không giống như một số loại gia súc khác, đó là không cần phải bổ sung thật nhiều tinh bột, nên giúp người nuôi giảm chi phí thức ăn rất nhiều.
Về lợi nhuận kinh tế, nuôi dê cũng vượt trội hơn hẳn so với trâu, bò hoặc lợn. Anh Hưng ví dụ với 100 triệu đồng, nếu nuôi trâu sẽ được số lượng con giống ít hơn, trâu ăn nhiều hơn, tuổi trưởng thành ở trâu, bò cũng lâu hơn và lợi nhuận thấp hơn so với nuôi dê.
Còn lợn cũng thường có tỷ lệ dịch bệnh rất cao, thậm chí có thời điểm người nuôi lợn phải "treo chuồng" vì dịch bệnh gây chết cả đàn; nhưng với dê thì trang trại của anh Hưng chưa có trường hợp như vậy.
“Dê là con vật thường sống ở vách núi cao, thích hợp với thời tiết khắc nghiệt giúp chúng có sức đề kháng tốt hơn, đồng thời có khả năng chống chọi bệnh tật cũng tốt hơn. Tại các trang trại, dê hay ở trên sàn chuồng chứ không nằm trực tiếp tại nền đất hoặc nền bê tông như trâu- bò -lợn, nên vào mùa đông khi khí hậu lạnh thì dê không bị ảnh hưởng nhiều.
Tất nhiên, trong chăn nuôi khó tránh khỏi hao hụt về đầu con, nhưng số lượng hao hụt nằm trong tỷ lệ cho phép chứ không bị hao hụt quá nhiều” – anh Hưng cho hay.
Về giá bán, theo anh Hưng, tùy theo thị trường biến động từng thời điểm, hiện tại dê thịt và dê giống đều được giá so với 3-4 năm trước. “Hiện nay, 10 con dê trưởng thành trung bình có giá khoảng 30-40 triệu, sau thời gian nuôi từ 5 - 6 tháng tới 1 năm bắt đầu có thu nhập, tùy theo dê giống nhỏ hay lớn. Nhờ đó, tổng giá trị tài chính tính trên đầu dê tại HTX ước khoảng 3 tỷ đến 3,5 tỷ đồng” – Giám đốc HTX Vĩnh Thụy vui vẻ nói.
Sẵn sàng chia sẻ, "nhân rộng" cơ hội làm giàu
Theo anh Hưng, mô hình trang trại như của gia đình anh luôn đảm bảo diện tích cho 400 - 600 con dê con, chưa kể dê bố mẹ. Nhờ đó, trung bình một năm, HTX xuất bán khoảng 500 - 600 con dê giống ra thị trường, mang lại doanh thu hàng trăm triệu mỗi năm.
Cũng nhờ có sẵn nguồn cung con giống, thời gian qua, HTX Vĩnh Thụy đã cung cấp dê giống tới các mô hình chăn nuôi hộ gia đình, các khu du lịch sinh thái tại nhiều tỉnh khu vực miền Trung như Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa, và các tỉnh miền núi phía Bắc như Điện Biên, Tuyên Quang, Hà Giang, Hòa Bình,...
![]() |
HTX Vĩnh Thụy đã cung cấp con giống dê con tới các mô hình chăn nuôi hộ gia đình, các khu du lịch sinh thái tại nhiều tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc... |
Ngoài ra, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương phối hợp cùng Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh bạn và một số các tổ chức khác, HTX Vĩnh Thụy đã đồng hành cùng nhiều dự án hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, như Dự án cung cấp dê giống cho bà con tại Tuyên Quang (dự án phi chính phủ, nguồn vốn Hàn Quốc), Dự án đồng cỏ tại Định Hóa, Thái Nguyên; Dự án tổ cộng đồng Phú Lương, Thái Nguyên, cùng nhiều dự án khác tại các tỉnh Điện Biên, Bắc Kạn, Lai Châu,...
“Trong chăn nuôi dê, quan trọng nhất là khâu lựa chọn giống và nắm bắt kỹ thuật cũng như tiêm phòng định kỳ. Thông thường, khi dê ở trại đã được tiêm phòng đầy đủ, tẩy giun sán định kỳ, nên người nuôi sau khi chọn con giống về chỉ việc nuôi” – anh Hưng thông tin.
Cũng theo anh Hưng, anh luôn sẵn lòng đón tiếp nhiều đoàn khách là bà con từ các địa phương lân cận đến tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm.
Để tiếp tục mở rộng quy mô, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và tăng đàn tại các địa phương, đặc biệt giúp nhiều người có thêm cơ hội thoát nghèo và làm giàu, anh Hưng mong muốn chính quyền địa phương, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ kết nối với các hội, các HTX của tỉnh bạn để mở rộng thị trường con giống.
“HTX luôn sẵn sàng cung ứng con giống khỏe, sẵn sàng đồng hành cùng các dự án giảm nghèo từ chính quyền địa phương, các hội, các tổ chức như Liên minh HTX Việt Nam... để tiếp tục có thêm nhiều mô hình HTX cùng nhiều bà con chăn nuôi có thêm cơ hội thoát nghèo.
Đặc biệt, do đi lên từ mô hình nhỏ lẻ, thời điểm hiện tại, chúng tôi đã xin giấy phép hoạt động và thành lập HTX với quy mô lớn hơn. Song, khó khăn lớn nhất với HTX Vĩnh Thụy đó là vốn và mặt bằng để phát triển. Do đó, chúng tôi rất mong các cấp chính quyền, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang hỗ trợ để chúng tôi được tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn vay ưu đãi, kết nối để HTX có thêm cơ hội đồng hành cung cấp dê giống cùng các dự án giảm nghèo”... - anh Hưng bày tỏ.
Hướng tới giảm nghèo bền vững
Được biết, ngoài huyện Lục Nam, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có khá nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, từng bước nâng cao thu nhập nhờ phát triển mô hình nuôi dê.
Từ một gia đình nằm trong danh sách hộ nghèo của huyện Lục Ngạn, những năm gần đây, gia đình ông Nguyễn Bá Trình, xã Thanh Hải, đã dần ổn định kinh tế và có của ăn của để nhờ mô hình chăn nuôi dê.
Ông Trình cho biết, diện tích đất vườn của gia đình rất rộng nhưng trước đây chỉ biết đến chăn nuôi gà và lợn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh và giá cả thị trường bấp bênh nên việc chăn nuôi của gia đình gặp nhiều khó khăn. Đang đau đầu tìm hướng đi mới thì vô tình ông được xem một mô hình chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Hòa Bình qua kênh truyền hình. Nhận thấy sự giống nhau về điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng địa phương, ông Trình cùng gia đình đã mạnh dạn chuyển hướng chăn nuôi.
Bước đầu, do kinh tế còn khó khăn nên gia đình ông mua 10 con dê giống từ HTX Vĩnh Thụy. Sau khi được HTX hướng dẫn tỉ mỉ kiến thức nuôi dưỡng, đàn dê nhà ông Trình nhanh lớn và khỏe mạnh. Thời điểm nhiều nhất, đàn dê của gia đình lên đến 60 con. Vừa rồi, gia đình ông đã xuẩt bán 30 con dê thương phẩm, thu về hơn 90 triệu đồng.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Doan, xã Lan Giới, huyện Tân Yên, cho hay, trong chuồng của gia đình luôn duy trì nuôi khoảng 200 con dê thương phẩm. Mỗi năm xuất bán 3 lứa, chị thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Để có đàn dê khỏe mạnh, chị luôn tuân thủ kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh. Do có kinh nghiệm, chăn nuôi mang lại hiệu quả, nhiều hộ trong xã đến học hỏi, làm theo.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lục Nam thông tin, với lợi thế diện tích đồi rừng lớn, vài năm trở lại đây, các mô hình nuôi dê đang được nhân rộng tại nhiều xã của huyện Lục Nam cùng một số huyện bạn, như Tân Yên, Yên Thế,...
“So với các vật nuôi khác, chi phí nuôi dê thấp, hiệu quả kinh tế cao, đầu ra tương đối ổn định. Chính quyền địa phương khuyến khích nông dân mở rộng quy mô bảo đảm tiêu chí trang trại; thành lập HTX, tạo liên kết chặt chẽ trong khâu chăn nuôi và tiêu thụ, bảo đảm đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm” – đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lục Nam nói.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang, sau gần 5 năm thực hiện công tác giảm nghèo, trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Tính đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,73% (từ 24.639 hộ năm 2021 giảm còn 8.310 hộ).
Được biết, một trong những điểm nhấn về công tác giảm nghèo được các địa phương của tỉnh tập trung cao đó là triển khai dự án chăn nuôi, trong đó có dê sinh sản và dê thương phẩm. Nhờ tận dụng thức ăn tự nhiên (cỏ, lá, rau, củ) và nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, đầu ra ổn định, thị trường tiêu thụ rộng (cả ở trong và ngoài tỉnh) nhiều hộ dân liên tục tăng đàn từ 60-70 con tới 300-400 con, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng...
Hồng Hương