Huyện Kông Chro là một vùng đất giàu tiềm năng về nông nghiệp và lâm nghiệp. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, trình độ dân trí chưa cao và tập quán sản xuất lạc hậu, Kông Chro vẫn nằm trong nhóm các huyện nghèo của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, đời sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, còn gặp nhiều khó khăn.
Vượt thách thức nhờ nắm bắt vai trò của HTX
Trước đây, sản xuất nông nghiệp của huyện rất manh mún, hiệu quả thấp. Cụ thể là việc canh tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật, dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm thấp, giá trị gia tăng không cao. Do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên người dân khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản, thường xuyên bị ép giá bởi thương lái. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu vốn vì nông dân nghèo khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư vào sản xuất.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Còn người dân thì phần lớn lại thiếu kỹ năng nghề, khó tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định ngoài nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, sự phát triển của các HTX trên địa bàn huyện Kông Chro đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực trong công tác giảm nghèo. HTX, với bản chất là tổ chức kinh tế tập thể, dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng và cùng có lợi, đã phát huy được sức mạnh của cộng đồng, giúp người dân vượt qua những khó khăn riêng lẻ.
![]() |
HTX An Nhiên hỗ trợ người dân sản xuất rau màu. |
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Nhiên (xã An Trung) là một trong những mô hình giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn huyện.
Tập trung trong lĩnh vực trồng trọt, sản xuất rau an toàn, đan lát, chế biến thực phẩm, HTX này có 36 thành viên thì có đến 15 thành viên thuộc diện hộ nghèo người Bahnar. Do đó, thời gian đầu mới thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn, từ việc nghiên cứu chế biến sản phẩm mới, phát triển vùng nguyên liệu đến tìm kiếm thị trường.
Qua nghiên cứu, các thành viên đầu tư vào khâu chế biến sản xuất trái cây lên men từ chuối, chanh, đường phèn và thực hiện đăng ký bản quyền. Tiếp đến, HTX sản xuất sản phẩm nước chuối lên men.
Nhờ những hoạt động hiệu quả này, thu nhập bình quân của các thành viên HTX đã tăng lên đáng kể, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn. HTX không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu và xây dựng cộng đồng ngày càng phát triển.
Trong khi đó, HTX Nông nghiệp Dịch vụ Kông Yang đã hỗ trợ các hộ nghèo chuyển đổi từ các loại cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như nhãn, chanh leo.. và thực hiện áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
![]() |
Hỗ trợ người dân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. |
HTX đóng vai trò cầu nối giữa người nông dân và thị trường, trong đó có ký kết với doanh nghiệp chế biến trái cây, giúp tiêu thụ sản phẩm ổn định với giá cả hợp lý. Sản phẩm của HTX không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường như Trung Đông và Trung Quốc.
Đặc biệt, các chứng nhận như VietGAP cho các sản phẩm trái cây (nhãn T6) giúp nâng cao uy tín và giá trị sản phẩm trên thị trường. Sản phẩm nhãn T6 của HTX còn được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022.
Một điều kiện thuận lợi với nhiều hộ dân là được HTX hỗ trợ vay vốn sản xuất, cung cấp các dịch vụ nông nghiệp và tư vấn kỹ thuật. Đi liền với đó, HTX không chỉ tập trung vào một loại cây trồng mà còn phát triển nhiều loại cây ăn quả khác như bưởi, ổi, na, sầu riêng và các nông sản khác giúp hạn chế rủi ro, gia tăng nguồn thu.
Thông qua sự hỗ trợ của tỉnh, huyện và Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh, HTX đã có điều kiện tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là các hội chợ nông sản để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ chuyển đổi cây trồng, áp dụng kỹ thuật mới và có đầu ra ổn định, các thành viên HTX đã có thu nhập cao hơn, giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. HTX cũng tạo ra việc làm cho các thành viên và người dân địa phương trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Tạo nền tảng phát triển HTX
Có thể thấy, các HTX đã có những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và giảm nghèo bền vững tại địa phương. Sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của HTX.
Cụ thể là huyện đã duy trì tỷ lệ giảm nghèo bình quân mỗi năm trên 6%, cao gấp đôi mức bình quân chung của tỉnh Gia Lai. Năm 2017, toàn huyện còn 4.132 hộ nghèo, chiếm 37,37%. Đến cuối năm 2022, số hộ nghèo giảm còn 5.033 hộ, giảm 709 hộ so với năm 2021. Năm 2023, số hộ nghèo tiếp tục giảm xuống còn 4.336 hộ, chiếm 33,78%, giảm 5,91% so với năm 2022. Đến cuối năm 2024 , tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3.669 hộ nghèo, chiếm 28,2%.
Để phát triển hiệu quả mô hình HTX, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Gia Lai đã phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX Việt Nam trên nhiều phương diện, thể hiện sự đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX.
Cụ thể là Liên minh HTX tỉnh Gia Lai tích cực tiếp nhận các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam về phát triển kinh tế tập thể, HTX.
Để nâng cao năng lực cho HTX, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam, cụ thể là Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Đào tạo cán bộ HTX Miền Trung -Tây Nguyên tổ chức khóa tập huấn về lập phương án sản xuất kinh doanh cho cán bộ chủ chốt HTX trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trong đó có HTX ở huyện Kông Chro. Ngoài ra, còn có các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý HTX và thành viên.
Ngoài ra, sự phối hợp giữa Liên minh HTX tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam đã tạo điều kiện cho các HTX của tỉnh tham gia các hội nghị, hội thảo do Trung ương tổ chức để học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình HTX thành công trên cả nước, đồng thời, phối hợp trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và quản lý của các HTX.
Liên minh HTX tỉnh tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm do Trung ương tổ chức hoặc phối hợp tổ chức, giúp quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đi liền với đó là hỗ trợ các HTX trên địa bàn huyện xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, đăng ký chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc theo các tiêu chuẩn và hướng dẫn của Liên minh HTX Việt Nam.
Tập trung hỗ trợ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số
Nhìn chung, sự phối hợp chặt chẽ giữa Liên minh HTX tỉnh Gia Lai và Liên minh HTX Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh nói chung, HTX huyện Krông Chro nói riêng, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả, huyện còn nhận thấy, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn (96% năm 2023). Do đó, huyện đã tập trung vào hỗ trợ đối tượng này bằng nhiều biện pháp cụ thể. Trong đó, huyện đã và đang triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với các dự án tập trung vào đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững và hỗ trợ nhà ở.
Nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế hiệu quả đã được triển khai, như hỗ trợ bò sinh sản, chuyển đổi cây trồng (mía sang nhãn, măng tây), tạo điều kiện cho người dân tham gia các HTX. Các mô hình như HTX Nông nghiệp hữu cơ Kông Chro, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Kông Yang, HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Nhiên… đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân thông qua liên kết sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.
Ngoài ra, huyện đang nỗ lực thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2025, với sự hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia và đóng góp của cộng đồng để giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống.
Minh Nhương