Nhãn hiệu tập thể được xem là "giấy thông hành" để sản phẩm sầu riêng tiến sâu vào thị trường các nước trong khu vực và quốc tế, giúp sản phẩm rộng mở hơn về đầu ra, nâng cao thu nhập cho nông dân và các HTX, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của tỉnh.
“Lên đời” cùng nhãn hiệu tập thể
Huyện Krông Năng có 8.618ha sầu riêng, trong đó có hơn 4.500ha cho thu hoạch, sản lượng khoảng 70.000 tấn; tập trung ở các xã như: Ea Toh, Ea Tân, Tam Giang, Ea Púk, Phú Xuân, Dliê Ya và thị trấn Krông Năng.
![]() |
Krông Năng là địa phương thứ tư của tỉnh Đắk Lắk được cấp chứng nhận bảo hộ tập thể đối với quả sầu riêng, cùng với huyện Krông Pắc, Cư M’gar, Krông Búk. |
Để bảo đảm quyền lợi, tăng hiệu quả, giá trị cho người sản xuất, kinh doanh sầu riêng, UBND huyện đã nỗ lực đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Krông Năng” và đã đem lại kết quả. Ngày 15/10/2024, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể mặt hàng sầu riêng cho huyện Krông Năng, thời gian 10 năm.
Gia đình anh Vũ Duy Khương (thôn Hòa Bình, xã Ea Hồ) có hơn 200 cây sầu riêng trồng xen canh trong vườn cà phê 2ha. Vườn cây được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, được thiết kế hệ thống tưới nước tự động, trồng cỏ dưới tán cây để giữ độ ẩm cho vườn cây. Hiện, vườn cây mới cho thu hoạch 50%, mùa vụ vừa qua, gia đình anh thu được 10 tấn quả, bán được gần 700 triệu đồng.
“Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tôi sẽ học hỏi thêm kiến thức để trồng và chăm sóc vườn cây bảo đảm yêu cầu xuất khẩu”, anh Khương chia sẻ.
Ông Vũ Văn Hùng (thôn Lộc Thành, xã Phú Lộc) cho biết, năm 2016, gia đình ông trồng hơn 200 cây sầu riêng xen canh trong vườn cà phê rộng 1,8ha. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật theo hướng VietGAP nên vườn sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, bình quân mỗi cây sầu riêng cho thu hoạch khoảng 200kg, đặc biệt có những cây đạt từ 270 - 300kg quả. Vụ sầu riêng 2024, gia đình ông thu được hơn 20 tấn quả, với giá bán gần 70.000 đồng/kg.
"Sầu riêng Krông Năng được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể giúp người trồng sầu riêng chúng tôi yên tâm sản xuất, tạo ra sản phẩm được khách hàng tin tưởng lựa chọn; giá cả, đầu ra theo đó cũng ổn định hơn”, ông Hùng phấn khởi nói.
Dự báo trong thời gian tới diện tích, sản lượng sầu riêng của huyện Krông Năng nằm trong top các địa phương trọng điểm trồng sầu riêng của tỉnh.
Hiện nay, huyện Krông Năng đã xây dựng Đề án phát triển cây trồng chủ lực (trong đó có cây sầu riêng) giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, huyện ổn định diện tích sầu riêng trên 8.000ha, sản lượng trên 64.000 tấn; tập trung mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn (VietGAP, hữu cơ...) và cấp mã số vùng trồng đạt trên 20% diện tích.
Đại diện ngành nông nghiệp cho biết, thời gian qua, huyện đã khuyến cáo người dân trồng, chăm sóc, thu hoạch sầu riêng theo đúng quy trình. Đồng thời, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng các loại giống có trong danh mục quy định; đồng thời chuyển dần từ phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP...
Hiện, trên địa bàn huyện có hơn 1.200ha sầu riêng đã được cấp mã vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ, an toàn. Cơ quan chức năng của huyện đã và đang khuyến khích người dân phát triển sầu riêng theo chuỗi liên kết, tổ hợp tác, HTX. UBND các xã, thị trấn cũng tăng cường quản lý giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc cây sầu riêng cho người dân.
Phát huy vai trò của kinh tế hợp tác
Từ ngày 10/1/2025, Trung Quốc yêu cầu các lô hàng sầu riêng nhập khẩu vào thị trường này phải có giấy kiểm định dư lượng cadimi (kim loại nặng) và chất vàng O. Đây là quy định mới, buộc người sản xuất và sơ chế sầu riêng Việt Nam, trong đó có Đắk Lắk, phải chủ động kiểm soát các khâu để bảo đảm chất lượng sầu riêng xuất khẩu đáp ứng yêu cầu đặt ra của đối tác.
![]() |
Khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX và tổ hợp tác, ngày càng có vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất sầu riêng theo hướng bền vững. |
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 32.785ha sầu riêng, sản lượng khoảng 316.607 tấn. Toàn tỉnh đã có 68 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu và 23 cơ sở đóng gói đạt chuẩn. Năm nay, dù chưa vào vụ thu hoạch sầu riêng nhưng các doanh nghiệp, HTX và người dân trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đã gấp rút triển khai các biện pháp để đáp ứng quy định mới.
Tại huyện Krông Pắc, một trong những vùng trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh, với hơn 8.000ha, sản lượng đạt trên 92.000 tấn, chính quyền và các ban ngành chức năng đã chủ động thông tin và hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp tránh sử dụng những sản phẩm không có trong danh mục được cấp phép nhằm hạn chế dư lượng kim loại nặng và hóa chất tồn lại ở trái. Các đơn vị sản xuất như: HTX dịch vụ Nông nghiệp sạch, HTX Nông nghiệp xanh Krông Pắc cũng đã đưa ra những khuyến cáo đến các thành viên trong và ngoài HTX; thực hiện áp dụng các loại sản phẩm phân bón hữu cơ, sinh học trong quá trình chăm sóc, sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình phòng trừ sâu bệnh hại cây sầu riêng, dần thay thế cho các sản phẩm phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, áp dụng một số ứng dụng công nghệ để theo dõi lượng nước, lượng dinh dưỡng trong đất và nhu cầu của cây sầu riêng để kịp thời bổ sung, điều tiết cho cây sinh trưởng tốt, chất lượng quả tốt nhất.
Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Krông Pắc Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, HTX đã tuyên truyền đến các thành viên về tác hại của chất vàng O, những sản phẩm phân bón có nguy cơ gây tồn dư kim loại nặng ở trái; tăng cường phương pháp canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Để bảo đảm chất lượng sầu riêng xuất khẩu, HTX đã khuyến khích nông dân sử dụng thuốc trừ sâu sinh học từ cây quế và áp dụng thời gian cách ly trước thu hoạch lên 30 ngày thay vì 15 ngày như trước.
Trên địa bàn huyện Krông Pắc, khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX và tổ hợp tác, ngày càng có vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất sầu riêng theo hướng bền vững. Đặc biệt, sau phiên đấu giá ấn tượng với số tiền 2,85 tỷ đồng cho 3 quả “Nữ hoàng sầu riêng” tại Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024, UBND huyện cùng các doanh nghiệp, đơn vị trúng đấu giá đang tích cực triển khai các hoạt động an sinh xã hội và đồng hành với nông dân Krông Pắc phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
Giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, gia tăng giá trị sản phẩm
Theo đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí đấu giá 3 quả “Nữ hoàng sầu riêng” theo đúng mục đích ban đầu của chương trình, đó là lan tỏa niềm tự hào và giá trị thương hiệu “Sầu riêng Krông Pắc”, thực hiện an sinh xã hội và xây dựng hệ sinh thái sầu riêng bền vững.
Trong giai đoạn 2024 - 2026, huyện sẽ dành riêng 1,4 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 20 căn nhà tặng hộ nghèo và hộ đặc biệt khó khăn về nhà ở; 950 triệu được sử dụng vào các hoạt động chuyển giao kỹ thuật mới và tiện ích công nghệ số cho nông dân trồng sầu riêng; phần kinh phí còn lại dành cho công tác truyền thông, quảng bá, nâng cao giá trị thương hiệu “Sầu riêng Krông Pắc” trên bản đồ nông sản Việt Nam.
HTX Nông nghiệp xanh Krông Pắc là một trong 5 HTX nhận chuyển giao bộ thiết bị đo dinh dưỡng đất thông minh của doanh nghiệp qua chương trình đấu giá “Nữ hoàng sầu riêng”.
Qua 3 tháng sử dụng bộ thiết bị, anh Trần Văn Thắng, Giám đốc HTX cho hay, đây là công nghệ mới thực sự hữu ích cho quy trình canh tác bền vững mà HTX đang thực hiện. Do đo lường chính xác hàm lượng các chất dinh dưỡng, độ pH, độ ẩm, độ dẫn điện của đất, HTX đã điều chỉnh quy trình bón phân, tưới nước phù hợp theo nhu cầu sinh trưởng của cây trồng. Nhờ vậy, HTX không chỉ tiết kiệm chi phí phân bón không cần thiết mà còn góp phần bảo vệ đất, bảo vệ môi trường sống cho chính người nông dân.
Có thể nói, ở những “thủ phủ sầu riêng” của Đắk Lắk, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên nhờ thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa và bền vững, có sự liên kết bền chặt.
Sầu riêng ngày càng có giá trị cao nên nhiều nông dân xem như trái cây “vua”, chú trọng đầu tư vào quy trình sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Như anh Trần Văn Quy (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) chia sẻ, năm 2016, nhận thấy đầu ra của sầu riêng khá ổn định nên anh quyết định trồng 300 cây theo tiêu chuẩn VietGAP. Vụ vừa rồi, gia đình anh thu hoạch được hơn 60 tấn quả, bán với giá bình quân hơn 70.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh lãi hơn 3 tỷ đồng. Ở xã Ea Tân nói riêng, huyện Krông Năng và tỉnh Đắk Lắk nói chung, có nhiều tỷ phú như vậy, cũng là nhờ biết làm ăn theo hướng mới, sản xuất sạch, đáp ứng tiêu chuẩn hiện đại.
Với sự nỗ lực từ chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của các tổ chức, ban ngành, trong đó có hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, công tác giảm nghèo tại tỉnh Đắk Lắk trong những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên toàn tỉnh giai đoạn 2021-2024 là 2%/năm, trong đó riêng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4,09%/năm. Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 3%; giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo (Ea Súp và M’Đrắk) từ 4-5%.
Đức Nguyễn