Để tìm đầu ra cho RAT, sự chủ động hình thành các mối liên kết ổn định giữa các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau với các HTX và nông dân vùng sản xuất RAT tập trung là rất cần thiết, đồng thời phát triển mạng lưới tiêu thụ qua siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ... Từ đó xây dựng chỗ đứng cho RAT trên thị trường.
Rau an toàn bí đầu ra
![]() |
Rau an toàn ven sông Trà vẫn còn bấp bênh đầu ra (Ảnh: TL) |
Được công nhận tiêu chuẩn VietGAP năm 2014, sản phẩm RAT do HTX Kinh doanh và dịch vụ Sông Trà (Nghĩa Dũng, Quảng Ngãi) hoạt động khá hiệu quả, với 44 xã viên tham gia sản xuất đạt 800 tấn rau các loại/năm; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị, cũng như mở cửa hàng bán rau an toàn, với sản lượng 2 tạ/ngày, tạo thu nhập ổn định cho xã viên.
Tuy nhiên, mô hình này hiện đang đứng trước nguy cơ “chết yểu”. Nguyên nhân chủ yếu do sức tiêu thụ ngày càng sụt giảm, HTX “thu không đủ chi”. Vì đó làm cho người dân các xã Tịnh Hà, Tịnh Long, Tịnh Ấn Đông, Tịnh Thiện và Tịnh Châu lo lắng khi đăng ký thực hiện sản xuất RAT theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, với quy mô 15ha.
Ông Cao Tý, xã viên HTX RAT Sông Trà cho hay: “Làm RAT không khó.Thực tế giá RAT bán tại ruộng cho HTX chênh lệch không nhiều, nhưng do qua khâu trung gian nên giá bị đẩy lên cao so với rau chợ. Nếu không có giải pháp hỗ trợ hệ thống bán lẻ, kênh tiêu thụ, giảm giá thành sản phẩm thì RAT mãi chết yểu”.
Ông Phạm Quốc Thanh - Giám đốc HTX RAT Sông Trà kiến nghị: "Chúng tôi mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện để tăng cường quảng bá sản phẩm, để sản phẩm RAT vào được siêu thị, bếp ăn trong trường học... Đồng thời được hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất".
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Sở đang phối hợp với Sở KH&ĐT xây dựng dự thảo trên cơ sở Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Quảng Ngãi sẽ ban hành chính sách khuyến khích tính chất đặc thù của tỉnh.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng hỗ trợ cả chi phí truyền thông, quảng bá sản phẩm. Công tác truyền thông trước mắt là tuyên truyền cho các trường học có học sinh bán trú, nội trú, từ bếp ăn tập thể, công nhân… từ đó lan truyền ra xã hội để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Mô hình hiệu quả cao
Ở Quảng Ngãi, nhiều mô hình RAT phát triển sản xuất mang lại hiệu quả cao cần phải nhân rộng như: Mô hình trồng rau sạch của Tổ hợp tác nông dân ở xã Bình Thới, huyện Bình Sơn, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nguyên Khang- Hải Lăng garden (huyện Hải Lăng, Quảng Trị), mô hình rau sạch của HTX Nông nghiệp rau sạch Mầm Việt (thôn Hòa Tân, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa),... Những mô hình này, các khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản và phân phối ra thị trường đều tuân thủ theo quy trình chặt chẽ, nên sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn.
![]() |
Nhiều mô hình rau an toàn của các HTX, THT được người tiêu dùng tin tưởng lựa chon (Ảnh: TL) |
Ở gian hàng rau an toàn của Siêu thị Co.opMart Quảng Ngãi có đến 19 loại rau của HTX Nông nghiệp rau sạch Mầm Việt, ở. Mỗi loại rau có giá đắt gấp 3 lần so với bên ngoài, nhưng vẫn được khách hàng tin dùng lựa chọn.
Theo ông Nguyễn Tấn Phụng - Giám đốc HTX Nông nghiệp rau sạch Mầm Việt, các loại rau đưa vào siêu thị Co.opMart được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn bằng phương pháp thủy canh nên đảm bảo chất lượng, không có kim loại nặng, nitrat, thuốc tăng trưởng...
Với quy mô sản xuất trên diện tích 1.000m2, chuyên trồng các loại giống chất lượng cao như cải Việt - Nhật, xà lách Hà Lan, rau dền, rau muống, tần ơ, dưa leo... sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, bình quân mỗi ngày, HTX cung cấp cho Siêu thị Co.opMart khoảng 60kg rau sạch. Nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của khách hàng.
Ngoài ra, HTX còn cung cấp rau sạch cho các hệ thống cửa hàng thực phẩm Naganic, ChichiFood, Ngọc Hà, Thu Anh, Trường Mầm non Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), cùng nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh. Hiện các đơn vị đã ký hợp đồng với số lượng lớn hơn, nhưng HTX vẫn chưa sản xuất đủ số lượng để cung cấp.
“HTX dự kiến mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời cung cấp các dịch vụ hậu cần kỹ thuật, vật tư, giống cây trồng, máy móc thiết bị, tư vấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rau sạch... nhằm mở rộng thị trường và liên kết với đơn vị để tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho xã viên HTX và người dân địa phương”, ông Phụng cho hay.
Rõ ràng, bên cạnh những sản phẩm RAT của một số HTX đã vào được siêu thị thì vẫn còn đó nhiều HTX sản xuất ra RAT đảm bảo nhưng do cách làm còn chưa năng động nên vẫn "bí" đầu ra. Bởi vậy, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ đưa sản phẩm RAT vào các siêu thị không chỉ trong tỉnh mà còn đưa đi nhiều địa phương khác tiêu thụ là điều mà các HTX đang mong chờ từng ngày.
Mặt khác, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần quan tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu tổ chức sản xuất đến tiêu thụ. Bên cạnh đó cần nâng cao tuyên truyền nhận thức cho nông dân về sản xuất rau an toàn, tạo cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất thỏa đáng. Không chỉ vậy, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.
Ngọc Giang