Trang trại 130 ha của HTX Nông nghiệp Hiệp Phú nằm kế Lung Ngọc Hoàng - khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước quy mô 2.800 ha của tỉnh Hậu Giang.
Đây vốn là đất của nông trường Mùa Xuân, vài năm trước, ông Bùi Hoàng Bào (Sáu Bào) và ông Nguyễn Hùng Hưng (Năm Hưng) cùng một số thành viên của HTX Hiệp Phú đã được Nông trường cho thuê đất với thời gian 30 năm.
60 tỷ đồng làm trang trại
Sau khi nhận đất, các thành viên HTX đã cải tạo lại, chuyển sang trồng chanh không hạt, tràm. Ngoài ra, tận dụng địa hình sông nước đan xen, HTX còn nuôi thêm cá rô đồng để tăng giá trị lợi nhuận cho HTX.
Hơn 60 tỷ đồng đã được ông Sáu Bào, Năm Hưng cùng các thành viên HTX đổ vào trang trại. Sổ đỏ, sổ hồng của nhiều thành viên HTX theo nhau vào nằm tại ngân hàng để lấy vốn cho trang trại hoạt động.
HTX đã xây dựng hệ thống kênh mương để xử lý phèn, lấy nước tưới tiêu cho vườn chanh, tràm. Hệ thống cống hai lớp cho các con kênh giúp xử lý phèn hoàn toàn sinh thái. Bình thường cống mở, nhận nước từ sông Cái chảy vào mạng lưới kênh đào rồi theo cống xả, đổ xuống hạ lưu. Phèn theo con nước rửa trôi. Nhờ đó, tôm cá sống khỏe.
Mùa nước đổ, cống kiểm soát lưu lượng, ngăn nước không tràn lên liếp. Tháng hạn, cống đóng, vừa giữ nước trong kênh phục vụ tưới tiêu, vừa ngăn mặn xâm nhập. Lúc triều cường, cùng với thủy triều dâng, các loài thủy sản nước ngọt sẽ bơi ngược lên, vào hệ thống kênh. Khi triều rút, các loại thủy sản “lộc trời” này sẽ mắc lại trong kênh nhờ hệ thống mắt lưới nhỏ.
Ngoài ra, sau thời gian dài, năm nay, rừng tràm trồng gối đầu chuẩn bị thu hoạch đợt một. Triệu cây tràm hao hụt khoảng 20%. Giá thị trường 45.000 đồng/cây, HTX bán xô 25.000 đồng/cây. Tính ra mỗi năm Hiệp Phú có đều 20 tỷ đồng doanh thu từ tràm, chưa kể mật ong. Cũng như cá tôm dưới kênh, mật ong tràm là lộc trời.
Đấy là năm nay thu hoạch, còn những năm trước, tôm cá vẫn phải chờ lớn nên chưa thể thu hoạch ngay, tràm thương phẩm phải 5 năm mới đủ tuổi. Lúc này, chanh không hạt chính là giải pháp giúp HTX xoay vòng nguồn vốn ngắn hạn, cân đối phần nào chi phí tiền lương cho hơn trăm công nhân thời vụ là người dân địa phương.
![]() |
Vườn chanh không hạt của HTX |
Chanh không hạt xuất khẩu
Khác với các nhà vườn khác trên địa phương, vườn chanh của HTX Hiệp Phú ngày càng phát triển tốt nhờ mạng lưới kênh đào thủy lợi quy mô cho phép bố trí một cái mương nhỏ trên mỗi lô, nhận nước từ kênh phục vụ hệ thống tưới tự động cho các liếp chanh. Phần diện tích canh tác rộng hơn trên cùng một công đất nâng cao năng suất, cải thiện lợi thế cạnh tranh.
“Năm vừa rồi, vườn chanh thu 300 tấn. Doanh thu khoảng 10 tỷ đồng”, ông Năm Hưng cho biết và dự đoán năm 2019, vườn chanh sẽ cho sản lượng khoảng 400 tấn và đạt 500 tấn vào 2020.
Đặc biệt, sản phẩm của HTX đã được công ty The Fruit Republic của Hà Lan ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết tiêu thụ.
Thông qua hợp đồng, công ty này cũng hỗ trợ HTX trong nhiều mặt, từ kỹ thuật cho đến vật tư nông nghiệp. Riêng phân bón bổ sung doanh nghiệp được cung cấp tương đương 60% giá thị trường.
Phân bón chủ yếu của chanh không hạt là phân hữu cơ. HTX tự túc một phần nhờ tận dụng cỏ, lục bình sinh sôi trong kênh. Trọng lượng sau khi phơi khô chừng 150 tấn, ủ cùng phân gia súc thu mua từ những trang trại chăn nuôi tập trung trong nền chuồng vịt để khử các vi khuẩn gây bệnh cho cây chanh.
Theo ông Năm Hưng, việc xử lý an toàn cho cây chanh từ khi ủ phân là phương pháp xử lý rủi ro có chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất khi không được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo yêu cầu của công ty.
“Cơ chế khuyến khích này cũng là một hình thức giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ rủi ro đầu vào, nhưng giúp HTX có đầu ra ổn định, có động lực để sản xuất theo quy trình tiên tiến, an toàn”, ông Năm Hưng nói.
Hơn 20 ha chanh không hạt của HTX được canh tác theo phương thức gối đầu, phân bổ kỳ thu hoạch quanh năm, cung cấp cho công ty để xuất khẩu sang châu Âu tiêu thụ, số chanh không hạt tiêu thụ trong nước của HTX chỉ chiếm khoảng 10 - 15% tổng sản lượng và được thương lái thu mua hết.
Có thể nói chanh không hạt là mảnh ghép then chốt trong mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, chung sống hài hòa với biến đổi khí hậu của tỉnh Hậu Giang.
Theo ông Năm Hưng, hiện nay HTX Hiệp Phú dư sức nhận thêm năm, bảy chục ha, mở rộng sản xuất, tuy nhiên hiện HTX đang gặp vướng khi kế hoạch giao đất lâm trường bị dời lại.
Hồng Nhung