Trong tổng số hơn 680 ha đất nông nghiệp, Yên Thái chỉ có khoảng 10% diện tích đất trồng màu thuận lợi. Với diện tích đất sản xuất hạn chế, Yên Thái bố trí trồng các loại cây chủ lực như ngô lai F1, cà chua, dưa chuột bao tử, lạc, đậu xanh, ngô ngọt, cải bó xôi, đậu tương và rau xuất khẩu.
Đổi mới sản xuất
Năm 2017, sau khi nhận được cam kết hỗ trợ kỹ thuật từ HTX nông nghiệp Quảng Công, ông Hoàng Đình Thắng, xã Yên Thái, chuyển đổi toàn bộ 0,5 ha lúa ở khu đồng trũng, kém hiệu quả, sang trồng cà chua và dưa chuột bao tử theo hướng VietGAP, có ứng dụng công nghệ cao.
![]() |
Gia tăng hàm lượng khoa học, kỹ thuật là cách để nông dân nâng cao giá trị sản xuất (Ảnh TL). |
Theo đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, ông Thắng đầu tư gần 200 triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà lưới, với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ sản xuất, như vòi phun nước tự động, bóng điện thắp sáng, máy cày, máy làm đất, máy cắt cỏ…
Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng, cùng sự đồng hành của HTX Quảng Công trong khâu kỹ thuật, đã giúp ông Thắng có được thành công lớn ngay trong vụ đầu sản xuất, thu về gần 150 triệu đồng từ dưa chuột và cà chua công nghệ cao.
Ông Thắng chia sẻ: “100% diện tích sản xuất của tôi hiện tại đều có nhà lưới bao phủ, giúp giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh mạnh trên thị trường, giá bán theo đó cũng ổn định hơn”.
Trong sản xuất, việc ứng dụng tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel giúp ông Thắng tiết kiệm nước, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm công lao động. Việc ứng dụng tưới tiết kiệm còn giúp khu sản xuất duy trì độ ẩm đều, ổn định, đảm bảo tốc độ sinh trưởng của cây trồng, giảm các loại nấm gây bệnh.
Ông Nguyễn Anh Quang, Giám đốc HTX Quảng Công, cho biết Yên Thái là một trong 2 xã được tỉnh Ninh Bình "chọn mặt gửi vàng" để thực hiện đề án thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp cấp xã về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao từ năm 2016.
Kể từ đó đến nay, địa phương đã đồng hành cùng người dân để đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, xây dựng các mô hình canh tác theo hướng hiện đại, ứng dụng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ mới như xây dựng nhà lưới, tưới nhỏ giọt, trồng rau trên giá thể.
Riêng ở HTX Quảng Công, 100% hộ thành viên nắm chắc quy trình sản xuất VietGAP, có ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như sử dụng máy cày, máy làm đất, hệ thống tưới tự động, máy sấy, bảo quản sản phẩm…
Tăng cường liên kết
Bên cạnh HTX Quảng Công, xã đã xây dựng và được cấp giấy chứng nhận cơ sở trồng trọt đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 4 HTX nông nghiệp, trong đó có 4 vùng sản xuất lúa với diện tích hơn 420 ha và 3 vùng sản xuất cây màu với diện tích hơn 45 ha.
![]() |
Ứng dụng công nghệ cao giúp người dân nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh (Ảnh TL). |
Trong sản xuất lúa, Yên Thái đã xây dựng các mô hình sản xuất VietGAP, chủ yếu là các giống lúa thuần chất lượng cao như Bắc Thơm số 7, LT2,... và nếp các loại.
Về sản xuất cây màu, Yên Thái đẩy mạnh liên kết sản xuất với các HTX, doanh nghiệp sản xuất đậu xanh giống và lạc giống. Hiệu quả kinh tế khi liên kết cao hơn, diện tích liên kết ngày càng được mở rộng, hiện diện tích đậu xanh giống vụ Hè Thu đạt trên 40 ha, diện tích liên kết sản xuất lạc giống vụ Đông đạt gần 40ha.
Cùng với đó, xã đã xây dựng các mô hình sản xuất rau xen canh, gối vụ theo hướng VietGAP và đã có 3 ha được chứng nhận VietGAP với các loại cây trồng chủ yếu là su hào, cải bắp, rau ăn lá…
Bên cạnh đó, Yên Thái tập trung thực hiện mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị hàng hóa như ổi, chanh trên diện tích 10 ha.
Đại diện UBND xã Yên Thái cho hay, với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồng thời, xã sẽ chủ động phát huy tiềm năng thế mạnh, đổi mới các mô hình sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuỗi giá trị và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung dựa trên các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm nông nghiệp của xã vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, từ đó tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Hưng Nguyên