Vài năm trở lại đây, huyện Đăk Đoa không còn là một vùng thuần nông với các phương thức canh tác lạc hậu. Thay vào đó, địa phương đã và đang từng bước chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và hiệu quả cao.
Chuyển mình mạnh mẽ
Việc chuyển đổi sản xuất theo hướng công nghệ cao, giàu khoa học công nghệ là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện, hướng tới xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân trên địa bàn huyện.
Đại diện ngành nông nghiệp huyện Đăk Đoa cho hay, quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp tại địa phương tập trung vào 3 trụ cột chính: ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết và phát triển các mô hình HTX kiểu mới.
![]() |
HTX, nông dân ở Đăk Đoa đang chuyển đổi từ "sản xuất cái mình có sang cái thị trường cần". |
Thực tế chứng minh việc ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân trên địa bàn huyện. Từ chỗ “sản xuất những gì mình có” sang “sản xuất cái thị trường cần”.
Trong hành trình chuyển mình này, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đăk Đoa đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tiêu biểu là mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tân Hưng, xã Tân Bình.
Với diện tích canh tác hơn 3.000 m², mỗi vụ thu hoạch, HTX có thể cung cấp ra thị trường hàng chục tấn dưa lưới đạt chuẩn VietGAP, chủ yếu tiêu thụ tại TP. Pleiku và TP. HCM.
Ông Nguyễn Văn Hoài – Giám đốc HTX Tân Hưng cho biết: “Chúng tôi đầu tư hệ thống nhà màng, tưới nhỏ giọt tự động và sử dụng giống cây trồng chất lượng cao. Việc áp dụng quy trình sản xuất sạch giúp sản phẩm đảm bảo chất lượng, dễ dàng tiếp cận các thị trường khó tính, đồng thời nâng cao giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích”.
Tạo sức lan tỏa
Mô hình chăn nuôi heo hữu cơ khép kín của HTX Thanh Niên Đồng Tâm (xã Kdang) cũng là một trong những mô hình điểm đáng chú ý trên địa bàn huyện Đăk Đoa.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh và hợp tác với doanh nghiệp tiêu thụ, HTX này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên mà còn tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương.
“Trước đây, thanh niên ở xã chủ yếu đi làm thuê, nhiều người phải rời quê. Nay với mô hình HTX, họ có việc làm ngay tại địa phương, lại được học hỏi kỹ thuật và chia sẻ lợi nhuận một cách minh bạch”, đai diện HTX Đồng Tâm cho biết.
Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho riêng các HTX, mô hình sản xuất hiện đại còn tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến cộng đồng nông dân tại Đăk Đoa. Nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, cà phê tái canh, rau quả hữu cơ...
Cụ thể, xã Hải Yang đã chuyển đổi hơn 150 ha đất trồng mì, bắp sang trồng sầu riêng và bơ theo hướng hữu cơ. Nhờ áp dụng kỹ thuật cắt tỉa, bón phân vi sinh và sử dụng chế phẩm sinh học, năng suất cây trồng tăng 20 – 30%, thu nhập bình quân của người dân tăng gần gấp đôi so với trước.
Chị Rmah H’Mai, một hộ dân ở thôn Kloong chia sẻ: “Lúc đầu, mình chưa tin lắm vào cách làm mới, nhưng thấy hàng xóm làm có lời nên học theo. Nay vườn bơ nhà mình đã cho trái vụ đầu tiên, thu nhập cao hơn hẳn đi bán mì như trước”.
![]() |
Hiệu quả của khoa học công nghệ là chìa khóa giúp nông dân, HTX ở Đăk Đoa nâng cao thu nhập. |
Để có được những bước tiến vững vàng như hiện tại, thời gia qua, huyện đã chú trọng đến việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân – HTX – doanh nghiệp – nhà khoa học.
Các mô hình liên kết tiêu biểu như chuỗi sản xuất cà phê đặc sản Đăk Đoa hay chuỗi rau củ an toàn giữa HTX Phú An (xã Glar) và doanh nghiệp phân phối tại TP.HCM đang ngày càng khẳng định vai trò cầu nối thị trường cho người nông dân.
Song song đó, chính quyền huyện cũng tăng cường các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao năng lực quản trị HTX và hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông sản của Đăk Đoa đã từng bước có chỗ đứng trên thị trường và tham gia vào các sàn thương mại điện tử.
Cũng cần phải nhấn mạnh hiệu quả hoạt động của HTX trên địa bàn huyện Đăk Đoa hiện tại đến từ sự đồng hành thiết thực của các ban ngành địa phương, đặc biệt là sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Gia Lai.
Điển hình, qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và tiếp cận vốn của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Gia Lai, hàng chục HTX trên địa bàn đã có cơ hội đổi mới phương thức hoạt động và phát triển sản phẩm theo hướng bền vững.
Hướng tới nông nghiệp bền vững
Đáng chú ý, chương trình “HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị” đã giúp nhiều HTX nông nghiệp tại Đăk Đoa như HTX Nông nghiệp Ia Pết, HTX Sản xuất cà phê hữu cơ Hải Yến… mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX Việt Nam còn hỗ trợ xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuyển đổi số. Một số HTX đã được trang bị phần mềm quản lý, ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần tăng tính minh bạch và sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, chương trình đào tạo cán bộ HTX cũng được triển khai thường xuyên, giúp nâng cao năng lực quản lý và điều hành.
Theo đánh giá, Đăk Đoa là một trong những địa phương đi đầu trong tỉnh về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại. Tính đến cuối năm 2024, toàn huyện có hơn 40 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 25 HTX hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho hơn 600 lao động địa phương.
Hành trình chuyển mình của nông nghiệp Đăk Đoa chưa dừng lại. Trong giai đoạn 2025 – 2030, huyện tiếp tục xác định nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi chủ lực, đồng thời khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể, nông nghiệp tuần hoàn và nông nghiệp sinh thái. Mục tiêu không chỉ là tăng năng suất, hiệu quả mà còn là phát triển nông thôn bền vững, giữ gìn môi trường và văn hóa bản địa.
“Chúng tôi đặt kỳ vọng biến Đăk Đoa thành vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Muốn vậy, người nông dân phải là trung tâm, còn HTX và công nghệ sẽ là công cụ để họ tiến xa hơn”, đại diện ngành nông nghiệp huyện Đăk Đoa nhấn mạnh.
Từ một huyện thuần nông, Đăk Đoa đang từng bước trở thành hình mẫu về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp trong thời kỳ mới. Hành trình này không dễ dàng, nhưng với quyết tâm từ chính quyền và sự đồng lòng của người dân, tương lai của một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và nhân văn tại vùng đất cao nguyên này đang dần hiện hữu.
Nhật Minh